Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu Mã Quốc Thiện tặng hoa các thầy thuốc và bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện.
Tôi đến Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu vào chiều cuối tuần. Không khí làm việc của cán bộ, nhân viên tại đây rất khẩn trương, tích cực. Gần đây, được tỉnh đầu tư hơn 100 tỷ đồng, sửa chữa, nâng cấp, các khoa phòng trông khá khang trang, sắp xếp hợp lý, sạch sẽ, gọn gàng hơn trước.
Biết ý định tôi muốn đến tìm hiểu, viết bài về sự hy sinh thầm lặng, những tấm gương thầy thuốc hết lòng cứu chữa bệnh nhân, đặc biệt những bệnh nhân mắc Covid-19 vừa được điều trị tại đây, bác sĩ Mã Quốc Thiện, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu bảo: “Nhà báo muốn viết bài, nên đến khoa Truyền nhiễm gặp bác sĩ Đinh Xuân Phước, Trưởng khoa và Điều dưỡng Trưởng Nguyễn Ngọc Lụa. Vì đây là hai người, “hai tấm gương” sáng nhất, vất vả nhất trong đợt chữa bệnh dịch vừa rồi…"
Bác sĩ Đinh Xuân Phước - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu.
Bác sĩ Đinh Xuân Phước, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Bệnh nhân 156, (nam, 21 tuổi), quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh và bệnh nhân 241, (nam, 20 tuổi), quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại quận 2, TP Hồ Chí Minh. Cả hai bệnh nhân đều là du học sinh từ London, Vương quốc Anh về Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN 0050, đáp xuống sân bay Cần Thơ và được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu. Sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, hai bệnh nhân này đã được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu để cách ly, điều trị.
Trước đó, bệnh nhân 155, (nữ, 21 tuổi), quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, cũng đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu điều trị khỏi bệnh. Như vậy, tính đến thời điểm này, tỉnh Bạc Liêu không còn ca bệnh nhiễm Covid-19 nào.
Bác sĩ Phước cho biết thêm, ngoài việc chữa khỏi ba ca nhiễm Covid-19 nêu trên, cũng trong thời gian qua, tại khoa Truyền nhiễm còn thực hiện biện pháp cách ly, theo dõi chín trường hợp nghi ngờ lây nhiễm Covid-19. Nhưng sau thời gian cách ly, theo dõi, qua các lần xét nghiệm, kết quả âm tính…
Trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân, bác sĩ Đinh Xuân Phước nói: “Những ngày qua, đội ngũ bác sĩ, y sĩ, nhân viên của Bệnh viện đa khoa nói chung, Khoa Truyền nhiễm nói riêng đã nỗ lực hết mình, chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh mọi mặt, ngày đêm chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Có thể nói, đây là nơi “tuyến đầu” nên rất cam go, vất vả. Không ít bác sĩ, thầy thuốc phải đấu tranh “giằng xé” để chiến thắng chính bản thân mình, có được tâm lý vững vàng, mục đích, mục tiêu cao cả, hết mình chăm sóc bệnh nhân như chính những người thân yêu trong gia đình...”.
Tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, những ngày qua nhiều bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế đều biết và khen ngợi, quý trọng nữ Cử nhân Nguyễn Ngọc Lụa, Điều dưỡng Trưởng tại Khoa Truyền nhiễm. Bởi, đây là khoa vất vả, chịu nhiều hy sinh nhất trong thời gian qua.
Nguyễn Ngọc Lụa cho biết: “Sau hai tháng bản thân em và anh chị em trong Khoa Truyền nhiễm làm việc rất vất vả. Nói thiệt là có lúc cũng rất căng thẳng, mệt mỏi. Song với vai trò, trách nhiệm là Điều dưỡng Trưởng của khoa, ngay từ tháng 2, khi nghe tin tại Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng có một số ca nghi lây nhiễm Covid-19, em đã chuẩn bị tinh thần, tâm lý sẵn sàng. Vì vậy, khi trực tiếp phải làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19, bản thâm em và anh chị em trong khoa rất bình tĩnh, làm việc tinh thần trách nhiệm, ý thức cao nhất…”.
Cử nhân Nguyễn Ngọc Lụa, Điều dưỡng Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu.
Nguyễn Ngọc Lụa bộc bạch: Em sinh năm 1990, mới lập gia đình gần hai năm, hiện chưa có con. Nhà em ở xã Phước Long (huyện Phước Long), cách Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu khoảng 40 km. Vì nhiệm vụ và đặc thù công việc, nhất là trong đợt đại dịch Covid-19 này, Khoa Truyền nhiễm của em phải trực tiếp điều trị, chăm sóc cho ba ca nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, trong thời gian qua có chín ca phải cách ly, theo dõi tại đây, nên tụi em phải làm việc rất vất vả. Đáng lưu ý, trong thời gian này, bản thân em cũng phải tự “cách ly” những người thân trong gia đình mình và mọi người. Vì thế, gần một tháng em không được về nhà. Song, bù lại, ông xã em là người rất hiểu, thông cảm, chia sẻ với công việc đặc thù, sự vất vả, hy sinh của em, nên rất ủng hộ. Nếu những người thân thiết, gần gũi trong gia đình, cơ quan, nhất là người chồng không ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ thì em khó có thể làm tốt nhiệm vụ như thời gian qua…
Nguyễn Ngọc Lụa cho biết thêm, ngày 19-4, tất cả ba ca nhiễm Covid-19 đã được Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu chữa khỏi bệnh và cho xuất viện. “Có mặt tại lễ xuất viện và chia tay những người được chữa khỏi bệnh trở về đoàn tụ gia đình, em thấy nhiều người cảm động rớt nước mắt. Tình cảm, tình nghĩa, tình người lúc này trỗi dậy thật mạnh mẽ, rất đỗi tự nhiên trong mỗi con người. Lúc đó em cũng không thể cầm được nước mắt.
“Em nghĩ, nghề thầy thuốc nếu không chấp nhận sự “hy sinh thầm lặng”, không thật sự yêu thương con người, không yêu nghề thì không thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua”, Điều dưỡng Trưởng Nguyễn Ngọc Lụa chia sẻ…
BÀI VÀ ẢNH: TRỌNG DUY - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)