Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Chợ Mới
Nhận định tình hình giá, tiêu thụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết: “Sau 1 tuần tăng giá, giá lúa chựng lại. Xoài 3 màu loại 1 tăng giá nhưng còn thấp (loại 1 từ 10.000-10.500 đồng/kg). Lượng cá tra còn tồn trong dân và thành phẩm trong kho lạnh của DN khá lớn. Dự kiến, những tháng còn lại của năm 2020 tình hình nuôi và xuất khẩu cá tra sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN và nông dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Sở NN&PTNT rà soát lại diện tích trồng xoài, cá tra còn tồn trong dân, đặc biệt chú ý sản lượng cá tra của các hộ không có hợp đồng liên kết để giới thiệu DN thu mua kịp thời.
Điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng nếp, tăng diện tích trồng lúa, rau màu, vận động người trồng không kích thích cho trái mùa nghịch (đối với xoài); tập trung tái đàn heo để cân đối cung - cầu.
Tăng cường kết nối giới thiệu DN với vùng nguyên liệu để thuận lợi trong công tác thu mua. Phối hợp Sở Công thương đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước thông qua hệ thống siêu thị, các chuỗi cung ứng tại các tỉnh, thành phố lớn…”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới (An Giang) Vũ Minh Thao cho biết: “Toàn huyện có 6.116ha trồng xoài, trong đó 4.172ha xoài đến tuổi cho trái. Riêng 3 xã cù lao Giêng có 279ha xoài đang cho trái, sản lượng khoảng 2.647 tấn (xoài cóc chiếm 80%), dự kiến đến hết tháng 4-2020 thu hoạch dứt điểm. Rau màu xuống giống vụ đông xuân 8.104ha, đã thu hoạch 7.777ha. Diện tích nuôi thủy sản 277,94ha. Giá tiêu thụ cá tra và các loại cá khác thấp hơn mức giá thành 4.000-5.000 đồng/kg nên hộ nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn”.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết giá các loại nông sản đều bị sụt giảm, tiêu thụ khó khăn, nông dân sản xuất không lợi nhuận và thậm chí thua lỗ, chưa có nhiều DN tham gia liên kết tiêu thụ nông sản lâu dài với nông dân nên việc sản xuất thường xuyên gặp khó, nông dân không mạnh dạn tái đầu tư, mở rộng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nông sản sản xuất ra chủ yếu bán dạng thô nên lệ thuộc rất lớn vào thương lái và chưa nâng cao được giá trị nông sản.
UBND Chợ Mới kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ huyện đầu tư xây dựng nhà sơ chế nông sản để hỗ trợ nông dân, bảo quản nông sản, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân. UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần vốn để nông dân tái sản xuất cũng như hỗ trợ địa phương kêu gọi DN có uy tín tham gia liên kết tiêu thụ nông sản để nông dân an tâm sản xuất.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, trước mắt đã làm việc với các nhà phân phối lớn tiêu thụ nông sản cho nông dân; đồng thời có văn bản gửi 14 tham tán thương mại Việt Nam của 14 nước trên thế giới đồng ý sau dịch bệnh sẽ hỗ trợ kết nối DN tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, lượng xoài của tỉnh rất lớn, chỉ có chế biến mới tiêu thụ hết, đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu công nghệ bảo quản sản phẩm lâu dài, kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến...
Phó Chủ tịch UND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng: “Giá xoài hiện nay thấp nhất trong 10 năm, dưới mức lợi nhuận của nông dân. Do đó, khuyến cáo nông dân ưu tiên trồng giống lúa xuất khẩu, chất lượng cao để xuất khẩu tốt; tuyên truyền, vận động người dân trừ các diện tích đã có liên kết hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu, diện tích xoài còn lại không kích ra hoa, tập trung chăm sóc chuẩn bị mùa vụ tới. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT hình thành hợp tác xã kiểu mẫu tiêu thụ xoài Chợ Mới, hướng dẫn nông dân chế biến sản phẩm từ xoài và khuyến cáo nông dân hạn chế trồng xoài, chuyển dịch cây trồng khác...
Khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Chợ Mới, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân chỉ rõ: “Nhìn lại từ cây xoài cho thấy, hiệu quả trong liên kết, tiêu thụ chưa cao. Chợ Mới đã có vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng chưa gắn DN tiêu thụ, nông dân chưa áp dụng tốt công nghệ vào sản xuất”. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, Chợ Mới cần thực hiện 3 nhiệm vụ song song: ưu tiên phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội gắn với đời sống của nhân dân trong điều kiện dịch bệnh. Trong sản xuất cần gắn với thị trường, đầu tư khoa học công nghệ. Sản xuất phải có mục tiêu, gắn với thị trường, giá thành hạ, chất lượng ngày càng cao, có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, nguồn cung ổn định, đặc biệt phải gắn với DN tiêu thụ...
Đến nay, dù chưa đánh giá đầy đủ tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nông nghiệp, nhưng không được chủ quan, phải lường trước hậu quả để có giải pháp ứng phó. Điểm sáng của An Giang là nông nghiệp, trong đó diện tích sản xuất cây lúa, rau màu có liên kết vẫn sản xuất tốt, tiêu thụ ổn định, thị trường không ảnh hưởng lớn; nhưng cây ăn trái, thủy sản và rau màu chưa liên kết sản xuất bị tác động thấy rõ.
Qua đó, giúp địa phương nhìn nhận lại mô hình sản xuất nông nghiệp thời gian qua, để định hướng tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả hơn thời gian tới.
HẠNH CHÂU - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)