Một khu nhà ở xã hội dành cho công nhân, người thu nhập thấp tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
"Cung" như muối bỏ bể
Hơn 15 năm làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Kim Phượng, quê An Giang vẫn thuê phòng trọ 15 m2, bao gồm cả nhà vệ sinh, chỗ sinh hoạt, ăn ngủ cho bốn người trong gia đình tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Ðức). Sau 10 năm tích góp, với tổng thu nhập 15 triệu đồng, hai vợ chồng chị xây đắp ước mơ tìm được bến đỗ để an cư. Khi có thông tin có gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng của Chính phủ thì cũng là lúc gói đã giải ngân hết. Nhờ hỏi han thông tin từ nhiều nguồn, vợ chồng chị được biết có dự án chỉ 800 triệu đồng.
Bàn bạc, suy nghĩ, anh chị mạnh dạn vay mượn, chấm dứt cảnh ở trọ. Tuy nhiên, khi liên hệ thì được biết dự án ở tận Bình Dương. Không từ bỏ nỗ lực, sau nhiều ngày tháng tìm kiếm, vợ chồng chị Phượng tìm được dự án nhà giá rẻ tại quận Bình Tân, phù hợp khả năng. Tuy nhiên, một lần nữa ước mơ lại trở nên xa vời khi căn hộ sau thuế cũng lên tới 1,5 tỷ đồng. Chị Phượng nói: Tiền tích cóp gửi ngân hàng với lãi suất không được là bao trong khi giá thuê nhà, giá lương thực thực phẩm vẫn tăng. Vậy nên, một lần nữa anh chị lại thất vọng và tiếp tục chờ đợi. Chị Phượng khẽ thở dài cho biết, nếu chục năm nữa con cái trưởng thành mà vẫn không có được căn nhà, anh chị sẽ quay về quê.
Câu chuyện của vợ chồng chị Phượng chỉ là một điển hình trong rất nhiều ước mơ của công nhân lao động (CNLÐ), dù họ đã cố gắng chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm hết sức có thể nhưng với khả năng tài chính còn hạn chế, mức phí sinh hoạt đắt đỏ tại các đô thị khiến hầu hết CNLÐ không đủ khả năng để sở hữu một căn hộ với giá hơn một tỷ đồng. Chưa kể, dù họ có tiếp cận được nguồn vốn vay trả góp từ ngân hàng nhưng với thu nhập thấp, họ không đủ để trả đều đặn hằng tháng.
Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam cho thấy, trong số 2,7 triệu CNLÐ đang làm việc tại 344 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN, KCX) trên cả nước thì có hơn 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở, hơn 800 nghìn người có nhu cầu về nhà trẻ và 1,4 triệu người có nhu cầu về siêu thị và các công trình trạm y tế, nhà văn hóa, nhà thi đấu, sân thể thao, nơi vui chơi giải trí. Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát năm 2016, nguồn cung về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các trạm y tế... cho người lao động (NLÐ) tại khu vực này mới chỉ đáp ứng từ 5 đến 10%. Còn lại, phần lớn CNLÐ đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện cơ sở vật chất và văn hóa, thể thao thấp, ảnh hưởng sức khỏe, tác động đến năng suất lao động.
Tại hội thảo về giải pháp an cư cho CNLÐ vùng kinh tế trọng điểm phía nam mới đây, đại diện Tổng LÐLÐ Việt Nam cho biết, hiện nay, tỷ lệ lao động nhập cư ở các KCN chiếm hơn 50%. Một số địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao, như: TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN. Vì vậy, vấn đề xây dựng và đáp ứng nhu cầu về nhà ở càng trở nên bức xúc. Báo cáo từ các địa phương cho thấy, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai trong cả nước, quy mô xây dựng khoảng 182 nghìn căn hộ. Tuy nhiên, hầu hết dự án này đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại. Vì thế, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường rất hạn chế.
Thông tin từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) tại hội thảo, riêng đối với dự án nhà ở cho CNLÐ hiện đã hoàn thành 100 dự án, quy mô 41 nghìn căn với tổng diện tích hơn hai triệu m2, bố trí chỗ ở cho khoảng 330 nghìn người. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 73 dự án với khoảng 88 nghìn căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho hơn 700 người. Tuy nhiên, sau những nỗ lực từ các bên, kết quả đạt được so với nhu cầu của NLÐ chỉ như "muối bỏ bể".
Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, từ giai đoạn cuối năm 2017 đến nay, các dự án nhà ở mở bán chủ yếu là dự án tầm trung, có giá hơn 1,5 tỷ đồng/căn hộ, chưa bao gồm thuế VAT và các khoản phát sinh. Trong khi đó, những dự án giá rẻ dưới một tỷ đồng hầu như thiếu vắng do những dự án nhà ở xã hội đang gặp khó khăn về vốn và quỹ đất.
Tháo gỡ vướng mắc
Ðể sớm đáp ứng nhu cầu cấp bách của CNLÐ nhập cư, Tổng LÐLÐ Việt Nam đã xây dựng "Ðề án xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ công nhân, NLÐ tại KCX, KCN".
Chỉ sau một thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bằng Quyết định 655. Ðề án được đánh giá là "bước ngoặt lịch sử", mang tính đột phá của tổ chức công đoàn trong chiến lược đổi mới phương thức tập hợp, phát triển đoàn viên của công đoàn trong tình hình mới. Ước tính, sau khi 50 thiết chế công đoàn đi vào sử dụng, sẽ đáp ứng từ 2 đến 10% nhu cầu tối thiểu về nhà ở, nhà trẻ, mua sắm các vật dụng thiết yếu, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, các hoạt động văn hóa thể thao của CNLÐ tại khu vực này...
Dự án xây dựng thiết chế công đoàn tại KCN Ðồng Văn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) được Tổng LÐLÐ Việt Nam chọn làm công trình đầu tiên thí điểm triển khai trước khi Quyết định 655 có hiệu lực. Theo dự kiến, quý III năm 2018, những thiết chế công đoàn đầu tiên sẽ được đưa vào khai thác, hoạt động. Thông tin này khiến đông đảo công nhân và đội ngũ công đoàn vui mừng bởi chỉ cần từ 150 triệu đồng trở lên, NLÐ có thể được sở hữu một căn nhà đứng tên mình. Theo tính toán ban đầu, nếu mỗi cặp vợ chồng công nhân tiết kiệm 1,8 đến 2 triệu đồng/tháng, trong khoảng từ năm đến bảy năm sẽ mua được căn hộ có diện tích 30 m2. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai đến nay, vẫn chưa có ngôi nhà nào trong các dự án thiết chế được đón chủ nhân vào ở. Mặc dù thiết chế công đoàn ở tỉnh Hà Nam đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng được vì đang vướng những khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách.
Ðể xảy ra tình trạng chậm tiến độ như nêu trên, Tổng LÐLÐ Việt Nam đã chỉ ra nguyên nhân khách quan là do Ðề án không lường hết được các vướng mắc của quy định pháp luật, phối hợp địa phương về quy hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất triển khai, cơ chế huy động nguồn vốn, nguồn lực xã hội cùng tham gia.
Nghị định 100 (ngày 20-10-2015) của Chính phủ về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn, khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội tham gia. Việc xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, bán chịu sự ràng buộc của nhiều bộ luật như: Luật Nhà ở, Luật Ðất đai, Luật Ðô thị, Luật Kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, nguyên nhân chủ quan là do việc xây dựng thiết chế là việc làm mới, khó, chưa rõ về mô hình xây dựng, khai thác, quản lý ra sao. Việc phối hợp giữa Tổng LÐLÐ Việt Nam với cấp ủy chính quyền địa phương trong quy hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất và tổ chức triển khai Ðề án chưa tốt, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu. Từ thực tế nêu trên, tinh thần chỉ đạo, tổ chức triển khai của Tổng LÐLÐ Việt Nam trong giai đoạn này là hết sức khẩn trương nhưng phải thận trọng, bảo đảm hiệu quả, tính khả thi của Ðề án.
Tổng LÐLÐ Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, theo quy định, Tổng LÐLÐ Việt Nam là cơ quan thuộc tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với mục đích xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê. Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng LÐLÐ thành lập công ty TNHH một thành viên, trực thuộc Ban quản lý dự án Thiết chế công đoàn; điều chỉnh mục tiêu tại Quyết định số 655. Kiến nghị cho phép các địa phương có nguồn ngân sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp cùng nguồn lực của LÐLÐ các tỉnh, thành phố tham gia xây dựng thiết chế.
THÁI SƠN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)