Ông Nguyễn Văn Sửa ngụ ấp An Thọ, xã An Phước, huyện Tân Hồng bên chiếc máy 3 trong 1
Biến ước mơ thành hiện thực
Nhà ông Út Sửa ở ven bờ kênh Trung ương, ngay phía sau chợ An Phước, huyện Tân Hồng. Căn nhà ở cũng là xưởng được ông chia thành từng gian, mỗi gian nhà được bố trí thành nơi chế tạo các dụng cụ khác nhau. Mỗi người thợ đảm nhận 1 khâu, từ khâu làm bánh xích, đến sơn, gò, hàn, tiện, ráp máy. Thi thoảng buổi trò chuyện bị gián đoạn bởi các đơn hàng được người tiêu dùng ở các nơi Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng... gọi điện về đặt hàng. Để có được cơ ngơi như hiện tại, bản thân ông Sửa trải qua một quá trình lao động không ngừng. Ông Sửa kể: “Trước đây, tôi sống tại xã An Long. Gia đình có vài công ruộng, chăm chỉ làm lụng, sống gói ghém, mỗi khi đến lúc xịt thuốc thì đeo bình xịt ra đồng, vất vả, nhọc nhằn, vậy là tôi bắt đầu có mơ ước: hay là mình sáng chế ra một loại máy phun xịt thuốc cho lúa, để bà con đỡ phải tiếp xúc với hóa chất độc hại. Mà phải bắt đầu từ đâu, vậy là tôi tạm ngưng làm ruộng chuyển sang đi học nghề thợ máy...”.
Nghĩ là làm, ông Sửa lên TP.Hồ Chí Minh học nghề máy, tiện, hàn. Sau 2 năm học nghề, ông trở về An Phước, huyện Tân Hồng lập nghiệp và khởi nghiệp với nghề chế tạo máy xịt thuốc, sạ phân, sạ lúa. Đối với 1 người được đào tạo bài bản, lao động, chế tạo là một việc không quá khó khăn, nhưng với 1 người nông dân chỉ học hết lớp 9 thì việc chế tạo máy để nông dân xài được và bán ra thị trường là một việc làm không đơn giản. Không bằng đại học, không có chuyên gia hướng dẫn hay nhóm ekíp cùng nghiên cứu chế tạo, ông Sửa vẫn mày mò kiên nhẫn với niềm đam mê và ước mơ chế tạo máy của mình. Ban đầu ông làm từng món đồ lắp ráp nhỏ, sau đó ráp chúng lại với nhau để vận hành. Khi ông bắt tay vào làm, nhiều người cho rằng sẽ không có kết quả tốt và không thể thực hiện được. Để có được sơ đồ cấu tạo máy theo ý mình, ông tự nghiên cứu, vẽ những cấu tạo máy theo cách riêng của mình trong cuốn sổ tay cá nhân. Mỗi chiếc máy chế tạo thành công, ông thử điều khiển, theo dõi sao cho phù hợp, thuận tiện và hiệu quả. Ông ghi chép cẩn thận những phản hồi từ phía người nông dân đã sử dụng thử máy và điều chỉnh từng bộ phận, từng địa hình thổ nhưỡng.
Ở nông thôn không đủ thiết bị, ông nghiên cứu tái chế. Có những món tự thiết kế, ông phải đi đến tiệm thuê làm, những món đồ của ông nhiều thứ lặt vặt nên nhiều cơ sở không mấy nhiệt tình, vậy là ông tích góp dành dụm mua sắm đồ nghề, từ máy hàn, tiện, cắt, đến các thiết bị để có thể thỏa sức chế tạo như ý mình lắp ráp vào dây chuyền tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Khảo sát thị trường nguyên liệu dùng cho việc chế tạo máy xịt thuốc sạ phân, sạ lúa khá đắt đỏ, vậy là ông chuyển qua nghiên cứu các loại máy đã qua sử dụng như máy xe tải cũ, phế liệu và bắt đầu công đoạn tái chế biến chúng trở thành những cần số, hộp số, nén khí, bánh xe... dùng lắp ráp vào máy xịt thuốc, sạ phân, sạ lúa.
Ông Sửa nói: “Sự phản hồi từ phía người sử dụng là một kinh nghiệm tốt nhất để bản thân tôi sáng tạo và nghiên cứu điều chỉnh. Nhiều người dân truyền tai nhau, họ xem youtube, facebook, thậm chí đến tận nơi để xem tính năng và đặt hàng. Niềm vui lớn nhất là khi chiếc máy của tôi chế tạo ra sẽ giúp cho bà con nông dân hạn chế tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật độc hại, lúa cũng ít bị ảnh hưởng bởi phần bánh xe khi điều khiển máy được cải tiến rất nhỏ...”.
Chiếc máy 3 trong 1 của ông Sửa chế tạo hoạt động trên đồng ruộng
Đã làm là làm đến cùng
Từ chiếc máy phun thuốc ban đầu, đến nay, ông Sửa đã cải tiến, sáng chế ra các máy móc phục vụ cho người nông dân như máy xịt thuốc, sạ lúa, sạ phân 3 trong 1 và các loại máy khác. Người nông dân khi sử dụng chiếc máy của ông sẽ tiết kiệm được các khâu thuê mướn lao động thủ công phun xịt thuốc, sạ phân, sạ lúa, tất cả đều có trong tính năng từ chiếc máy của ông Sửa chế tạo. Điều thú vị là chiếc máy nhỏ gọn, bánh xe được thiết kế đảm bảo khi vận hành trên đồng ruộng sẽ để lại một đường rãnh rất nhỏ, đường rãnh này được nông dân dùng làm nhiều mùa vụ hạn chế việc hư hại mạ, lúa. Ông Sửa cũng mạnh dạn cải tiến bánh xe tròn thành bánh xích chạy trên mọi địa hình. Mỗi chiếc máy phun xịt thuốc, máy sạ lúa hoặc sạ phân có giá dao động từ trên 60 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng, thiết bị máy được bảo hành trong quá trình hoạt động.
Sau thời gian tìm hiểu máy do ông Sửa chế tạo, anh Võ Phi Hùng ngụ huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho biết: “Gia đình tôi làm mấy chục công đất ruộng, bây giờ nhiều lao động ở nông thôn đổ xô đi làm công ty, xí nghiệp nên việc tìm nhân công phun thuốc, sạ phân rất khó. Bản thân cũng trăn trở làm sao tìm được những chiếc máy có thể thay thế con người trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngay thời điểm đó, vô tình đọc các thông tin trên mạng nói về anh Sửa có chế tạo máy vừa phun thuốc, vừa sạ lúa và bón phân, nên tôi tìm đến khảo sát xem thực tế chiếc máy đó thế nào, vận hành ra sao. Qua xem xét, tôi thấy chiếc máy anh Sửa chế tạo có nhiều ưu điểm, phù hợp với vùng đất mình canh tác, giá thành hợp lý nên có thể mua về sử dụng rất tiện. Nếu có thời gian tôi cũng có thể đi làm thuê cho các hộ lân cận. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến cửa hàng, mua các sản phẩm dùng trong nông nghiệp của ông Sửa, để kịp chế tạo máy và giao hàng ông phải thuê lao động tại địa phương. Hiện cơ sở có 10 lao động làm các công đoạn, thu nhập mỗi tháng từ 9 triệu đến 11 triệu đồng. Mỗi người làm công được ông truyền nghề, hướng dẫn thực hành, mỗi người làm mỗi việc, khâu nào ra khâu đó như một dây chuyền hoạt động chuyên nghiệp từ chính những người nông dân.
Người lao động làm việc tại cơ sở Út Sửa có thu nhập ổn định từ 9 triệu - 11 triệu đồng tùy theo công đoạn
Gắn bó với nông dân, có kinh nghiệm làm đồng, thấu hiểu những vất vả nặng nhọc của nghề “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, niềm vui trong cuộc sống, trong lao động của ông Sửa khi nhiều người sử dụng những chiếc máy từ sáng chế của ông giảm được bệnh tật do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phun xịt, tăng lợi nhuận sản xuất nông nghiệp. Với chiếc máy xịt thuốc, máy sạ lúa hoặc sạ phân khi sử dụng xịt thuốc khoảng 100 công đất ước chi phí tốn khoảng vài triệu đồng tiền dầu, trong khi với diện tích đất trên khi thuê lao động làm thủ công chi phí trên 20 triệu đồng.
Niềm đam mê sáng chế các thiết bị dùng trong nông nghiệp vẫn cháy bỏng trong đầu ông Sửa, ông bật mí sắp tới sẽ cho ra đời chiếc máy đắp bờ kết hợp với nhiều tính năng khác để bà con nông dân đỡ vất vả hơn. Dù là nông dân chân chất chỉ học đến lớp 9, trên thị trường máy cùng loại do nước ngoài sản xuất bày bán khắp nơi, nhưng ông vẫn tự tin khi sản phẩm của mình cạnh tranh với hàng nước ngoài bởi theo ông: “Máy nước ngoài bán nhiều, giá lại rẻ, nhưng tôi biết máy tôi chế tạo dùng vào mục đích gì, thiết kế như thế nào để hoạt động hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của nông dân...”.
Anh Nguyễn Văn Khang – cán bộ nông nghiệp xã An Phước, huyện Tân Hồng, người gắn bó với những sáng kiến chế tạo của ông Sửa cho biết: “Từ khi máy 3 trong 1 của chú Sửa chế tạo thành công đã giúp ích cho người nông dân rất nhiều. Chiếc máy có thể thực hiện nhiều công đoạn như: sạ phân, xịt thuốc, xuống giống nên đỡ tốn công lao động, đặc biệt trong thời điểm khan hiếm nhân công như hiện nay. Theo ước tính của tôi, chiếc máy này có thể làm việc bằng sức của 7-10 lao động, đồng thời rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả trong các thao tác. Trong lúc phun xịt cũng hạn chế gây đổ ngã cho cây lúa như áp dụng hình thức phun xịt thủ công...”.
C.PHƯƠNG – P.LỘC - (baodongthap.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)