Sụt lún đê biển Tây ở Cà Mau sẽ được khắc phục thế nào?

Thứ ba, 05 Tháng 5 2020 19:55 (GMT+7)
Tỉnh Cà Mau đã đưa ra giải pháp cần thiết để xử lý tình trạng sạt lở, sụt lún uy hiếp đê biển Tây.
 
Keyword đầu tiên có dấu
Đê biển Tây đi qua địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị sụt lún nghiêm trọng hồi tháng 2/2020.
 
Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, tuyến đê biển Tây có 3 điểm sụt lún với tổng chiều dài 240m (trong đó, sụt lún, trượt sâu từ 2 - 3m với chiều dài 210m, sụp lún từ 0,08m đến 0,1m với chiều dài 30m), nguy cơ sụt lún hơn 4,2km.
 
Đối với các đoạn đê biển Tây đã bị sụt lún, tùy theo tình hình sụt lún và điều kiện thực tế, các đơn vị triển khai các giải pháp hộ đê. Cụ thể, xử lý sạt lở đê biển Tây xảy ra ngày 3/8/2019 với chiều dài khoảng 7,5km trên dọc tuyến đê từ Kênh Mới xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đến Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (giáp tỉnh Kiên Giang).
 
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, hiện nay, tỉnh này đã chọn giải pháp xử lý hộ đê bằng kè mái nghiêng với rọ đá bảo vệ mái đặt trên lớp lọc vải địa kỹ thuật; chân kè gia cố bằng rọ đá xoay ngang, kết hợp với rọ đá xoay dọc... Tổng chiều dài các đoạn là 7,5km với kinh phí 50 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, để khắc phục sự cố sụt lún đê biển Tây, tỉnh Cà Mau đã chọn giải pháp bơm bùn cát vào trong kênh mương đê với cao trình thích hợp nhất trên tổng chiều dài 4,2km. Trong đó, có 800m san lấp cát khu tái định cư xen ghép Đá Bạc với tổng kinh phí 45 tỷ (trong đó bơm bùn tạo phản áp 15 tỷ, bơm cát khu tái định cư Đá Bạc 30 tỷ). Đồng thời, dự kiến xử lý khắc phục 3 điểm sụt lún dài 240m đoạn Đá Bạc hướng về Kênh Mới, với kinh phí 3 tỷ đồng.
 
Như tin đã đưa, do hạn hán mùa khô 2019 - 2020 xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt hơn đã gây ra nhiều thiệt hại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh.
 
Đặc biệt, hạn hán đã làm các kênh, rạch bị khô cạn, mất phản áp nước gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng trên 1.600 điểm, vị trí trên tuyến đê biển Tây và nhiều tuyến đường giao thông với chiều dài trên 25,3km.
 
Cụ thể, các tuyến đường do tỉnh quản lý có 9 điểm sụt lún với tổng chiều dài 250m (trong đó, 1 điểm xã Trần Hợi; tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc có 4 điểm sụt lún với tổng chiều dài 95m và tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc có 4 điểm sụt lún với tổng chiều dài 145m, cùng nhiều vết rạn nứt); lộ giao thông nông thôn có 1.154 điểm sụt lún với tổng chiều dài hơn 25,3km.
 
Gia Minh - (atgt.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội