Hạn, mặn năm 2020 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích cây ăn trái, nhất là sầu riêng do mẫn cảm với mặn. Song, nhờ có những giải pháp phù hợp, kịp thời, nhiều diện tích sầu riêng đã được cứu kịp thời, giảm thiệt hại cho nhà vườn.
Nhờ nguồn nước ngọt cấp miễn phí của chính quyền mà nhiều diện tích sầu riêng được “cứu sống”.
Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 14.400 ha cây ăn trái, trong đó trên 10.450 ha sầu riêng. Hạn, mặn xâm nhập sâu và kéo dài đã làm cho nhiều diện tích cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng bị thiếu nước tưới.
Để cứu cây trồng nói chung và cây sầu riêng nói riêng, huyện Cai Lậy đã xây dựng phương án phòng, chống hạn, mặn phù hợp với tình hình xã theo phương châm 4 “tại chỗ”, thi công các công trình phòng, chống hạn, mặn cho vùng chuyên canh, với tổng kinh phí 7,68 tỷ đồng.
Đặc biệt, giữa tháng 3-2020, UBND tỉnh đã thực hiện phương án hỗ trợ nước ngọt cho người dân trồng sầu riêng. Đến nay, các xã đã tiến hành cấp khoảng 420 ngàn m3 cho trên 15.000 hộ dân, phục vụ tưới trên 8.000 ha vườn chuyên canh sầu riêng. Nhờ phương án phù hợp, nhiều diện tích sầu riêng được cứu sống kịp thời, người dân giảm thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Tám (ấp Hiệp Ngãi, xã Hiệp Đức) cho biết: “Gia đình tôi trồng 6.000 m2 sầu riêng giống Ri6. Hạn, mặn kéo dài, nước trữ trong mương vườn cạn khô, tôi phải mua nước từ các sà lan để tưới cầm chừng cho cây, làm cho chi phí sản xuất tăng cao. Dù vậy, nguồn nước vẫn không đủ, dẫn đến cây bị héo, rũ lá. Sau đó, nhờ chính quyền cung cấp nước ngọt miễn phí, tôi vận chuyển về để tưới cho cây kịp thời, nên vườn sầu riêng đang mang trái của tôi vẫn phát triển tốt, năng suất ổn định”.
Còn bà Nguyễn Thu Hương (ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức) cũng nhờ nguồn nước ngọt cung cấp kịp thời của chính quyền, vườn sầu riêng 6.000 m2 của bà được “cứu sống” kịp thời.
“Nhờ sự quan tâm của chính quyền cung cấp nguồn nước ngọt kịp thời mà vườn sầu riêng của gia đình tôi hết héo, rũ lá, cây cho trái bình thường” - bà Hương cho biết:.
Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Đức Trương Văn Chinh cho biết, từ khi thực hiện phương án của UBND tỉnh, xã Hiệp Đức đã cấp trên 26.000 m3 nước ngọt cho người dân tưới sầu riêng, người dân rất đồng tình và phấn khởi. Hiện tại, chính quyền địa phương tiếp tục đo độ mặn thường xuyên, tiến hành đóng, mở các cống để tháo hoặc tích trữ nước khi cần thiết, nhằm đảm bảo nguồn nước cho người dân an tâm sản xuất.
Nhờ nguồn nước ngọt cấp miễn phí, phù hợp, kịp thời đã cứu được nhiều diện tích cây ăn trái, nhất là sầu riêng; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhà vườn do hạn, mặn gây ra. Phương án cấp nước ngọt miễn phí cho người dân tưới cây trồng của UBND tỉnh không chỉ làm mát cây trồng, mà còn mát cả lòng dân.