Sau khi bể hụi, bà Đ. (ấp An Hòa, xã An Hiệp) đã bỏ nhà ra đi.
Nhiều vụ bể hụi lớn
Bể hụi xảy ra tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm vào tháng 2-2010 do vợ chồng bà Ph. làm chủ. Giữa năm 2008, bà Ph. tổ chức nhiều dây hụi với nhiều giá trị khác nhau. Ban đầu là hụi nhỏ, sau đó là hụi lớn với trị giá lớn và có nhiều người tham gia (hụi ngày, hụi tuần, hụi giữa tháng, hụi tháng). Đầu năm 2010, bà Ph. tuyên bố bể hụi (số tiền hơn 3 tỷ đồng) và bỏ trốn, gây bức xúc cho nhiều người, một thời gian sau, cả 2 vợ chồng bà Ph. tới Công an xã đầu thú, khai báo với cơ quan chức năng về việc làm “hụi ma”.
Trong năm 2011, tại xã Thành Triệu (Châu Thành) đã xảy ra 2 vụ bể hụi. Tháng 5-2011, bể hụi hơn 23 tỷ đồng và hơn 100 chỉ vàng do bà H.T.T. làm chủ. Trong thời gian làm chủ hụi, bà T. còn huy động vốn với lãi suất cao (7 - 15%/tháng), lấy tiền của người cho vay sau để trả cho người cho vay trước trong thời gian dài.
Tháng 7-2011, cũng tại xã Thành Triệu lại xảy ra vụ bể hụi do bà N.T.H.S. làm chủ. Từ tháng 12-2008 đến khi vỡ nợ, bà S. làm chủ 25 dây “hụi ma” với nhiều giá trị khác nhau. 117 HV đã đòi nợ bà S. với số tiền đã đóng hụi gốc 2,47 tỷ đồng.
Giữa tháng 7-2015, bể hụi xảy ra tại xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam), do bà H. làm chủ với số tiền trên 10 tỷ đồng. Bà H. trả lãi cao cho người tham gia chơi hụi, huy động vốn với lãi suất cao (từ 4,5 - 6%/tháng) nên có nhiều người tham gia. Khi bể hụi, nhiều người “nướng” vào đây với số tiền từ vài chục triệu đồng, vài trăm triệu đồng, thậm chí có người đã “nướng” hơn 1 tỷ đồng. Chủ hụi H. không có sổ sách ghi chép việc HV đóng tiền, mượn tiền của HV, ngày tháng giao hụi, trả tiền.
Nhiều nạn nhân của “hụi ma”
Cuối tháng 3-2020, người dân ở xã An Hiệp xôn xao vì tin bà N.T.Đ. (54 tuổi) là chủ hụi, ở ấp An Hòa đã bỏ địa phương đi nơi khác. Trước đó một tuần, ngày 23-3-2020, bà Đ. tuyên bố bể hụi trước sự bất ngờ của nhiều người. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã An Hiệp, có 91 người thuộc 2 xã An Hiệp và Tường Đa đã gửi đơn yêu cầu giải quyết với số tiền 10,33 tỷ đồng. Bà Đ. làm chủ hụi từ năm 2016 với nhiều dây hụi khác nhau, trong đó có nhiều dây hụi 500 ngàn đồng/tháng (HV không có sổ sách ghi chép rõ ràng nên không biết chính xác được là bao nhiêu dây hụi). Tính đến khi bể hụi, bà Đ. thiếu nợ của người ít nhất với số tiền 8,5 triệu đồng, đa số là nợ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, cá biệt có trường hợp hơn 1,14 tỷ đồng.
Công chức Tư pháp xã An Hiệp Phạm Thị Cẩm Hằng cho hay: UBND xã đã chỉ đạo cho Tư pháp và các ngành, đoàn thể tiến hành xác minh, lập biên bản các trường hợp tranh chấp tiền hụi với bà Đ. Hiện Tư pháp xã đang hướng dẫn người dân làm hồ sơ gửi đơn yêu cầu tòa án huyện giải quyết.
Cuối tháng 4-2020, bể hụi đã xảy ra tại xã Tiên Long do bà H.T.B.N. làm chủ. Bà N. làm nhiều dây hụi khác nhau, với các giá trị từ 2 triệu đồng/tháng, 3 triệu đồng/tháng đến 5 triệu đồng/tháng. HV của bà N. đa số là những người làm vườn hoặc mua bán nhỏ. Người “vướng” vào hụi với số tiền thấp nhất 19,8 triệu đồng, cao nhất với số tiền hơn 180 triệu đồng. Trong số này, có nhiều HV là người chăm chỉ làm ăn, bỏ tiền ra chơi hụi với mong muốn kiếm thêm đồng lời và dành dụm. Trường hợp của bà H. (ấp Tiên Hưng) có con đi xuất khẩu lao động, bà rất dè xẻn trong chi tiêu để lấy tiền chơi hụi với hy vọng kiếm lãi. Hoặc trường hợp của chị Ch. (ấp Tiên Hưng) bị tật nguyền do tai nạn, đã gửi trọn số tiền dành dụm trong nhiều năm (gần 50 triệu đồng) để chơi hụi. Hay trường hợp của chị L. (ấp Tiên Thạnh) làm nghề bán cá cũng đã “đóng” hụi trên 40 triệu đồng...
Sau khi xảy ra bể hụi, UBND xã Tiên Long đã mời các bên liên quan để giải quyết. Tại buổi làm việc ngày 8-5-2020, bà N. (chủ hụi, bị đơn) đã thỏa thuận với 26 người là HV (nguyên đơn) về số tiền mà bà đã thiếu, với tổng số 1,87 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Tiên Long Bùi Trung Chỉnh cho rằng: UBND xã đã tạo điều kiện cho hai bên nguyên đơn và bị đơn thống nhất về số tiền nợ. Tuy nhiên, giữa 2 bên không thống nhất được thời gian trả nợ. Xã sẽ hoàn tất các thủ tục để chuyển đến tòa án nhân dân huyện giải quyết.
“Việc tổ chức hụi là hình thức giao dịch dân sự nên việc giải quyết tranh chấp sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật về dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra một số trường hợp có người đã tổ chức làm “hụi ma”, dùng thủ đoạn gian dối để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Đối với những trường hợp này, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. (Luật sư Nguyễn Văn Tặng - Đoàn Luật sư Bến Tre) |
Bài, ảnh: H.Đức - (baodongkhoi.vn)