Bến Tre: Khẩn trương chi tiền hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19

Thứ tư, 20 Tháng 5 2020 13:37 (GMT+7)
Sau 10 ngày triển khai, tỉnh đã hoàn thành việc chi tiền hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng 5, 6, 7 gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
 
Bà Phạm Thị Quyền 95 tuổi, mẹ liệt sĩ, ngụ xã Phú Lễ (Ba Tri) nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: T. Thảo
Bà Phạm Thị Quyền 95 tuổi, mẹ liệt sĩ, ngụ xã Phú Lễ (Ba Tri) nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: T. Thảo
 
Sớm đến tay người dân
 
Tính đến ngày 15-5-2020, các huyện, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc rà soát lập danh sách và thực hiện chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng: người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, hộ cận nghèo (nhóm 5, 6, 7).
 
Một số huyện chưa thực hiện được việc chi trả do còn vướng mắc về thủ tục. Cụ thể, Phòng Tài chính huyện Chợ Lách phân bổ kinh phí về các xã ngày 15-5-2020, nhưng đến ngày 18-5-2020, các xã mới rút được kinh phí để triển khai chi cho đối tượng. Hiện còn xã An Định (Mỏ Cày Nam), Phú Thuận, Định Trung, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị (Bình Đại) chưa rút được tiền do thay đổi nhân sự chủ chốt.
 
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhóm đối tượng người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ việc không hưởng lương (nhóm 1) có 35 người của Công ty TNHH Unisoll Vina. Doanh nghiệp (DN) này đã lập danh sách theo quy định, có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và gửi UBND huyện Châu Thành thẩm định và thực hiện chi hỗ trợ NLĐ.
 
Ngoài ra, các địa phương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang rà soát, nắm số lượng NLĐ theo nhóm 1 khoảng 879 người của 3 DN, danh sách đang được cơ quan BHXH thẩm định theo quy định.
 
Đối với nhóm hộ kinh doanh (nhóm 2) đã rà soát, lập danh sách hỗ trợ 1.197 hộ, trong đó huyện Ba Tri 117 hộ, Giồng Trôm 222 hộ, Bình Đại 107 hộ, Châu Thành 292 hộ, Mỏ Cày Bắc 126 hộ, Chợ Lách 329 hộ. Các hộ kinh doanh này được cơ quan Thuế và Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định về việc đăng ký kinh doanh và khai báo thuế dưới 100 triệu đồng để trình UBND huyện phê duyệt hỗ trợ.
 
Nhóm NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm (nhóm 4), trong đó, có nhóm người bán vé số lưu động đã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre, với tổng số tiền 1,05 tỷ đồng, mức hỗ trợ 70 ngàn đồng/ngày/người, thời gian 15 ngày kể từ ngày tạm dừng phát hành vé số (Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: 1 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ hàng tháng, tùy theo tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh). Do đó, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre không tiếp tục hỗ trợ theo Quyết định số 15/QĐ/TTg vì cùng nguồn kinh phí, cùng một đối tượng.
 
Các lĩnh vực còn lại địa phương đang rà soát lập danh sách và công khai niêm yết tại địa phương theo quy định.
 
Một số vấn đề phát sinh
 
Theo báo cáo của các huyện, thành phố gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Một số địa phương ở cấp xã còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Do đó, công tác triển khai, rà soát, lập danh sách đề nghị chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của tỉnh.
 
Còn bất cập giữa các nhóm đối tượng quy định trong Quyết định số 15/QĐ-TTg. Cụ thể, giữa (nhóm 1) NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương với (nhóm 6) người sử dụng lao động (NSDLĐ) được hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc đối với NLĐ. Theo quy định về điều kiện hỗ trợ, nếu NSDLĐ được hỗ trợ vay vốn để trả lương cho NLĐ thì phải thanh toán trước 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ mới được vay, nên NLĐ làm việc cho những NSDLĐ này bị tạm hoãn thực hiện HĐLĐ không đủ điều kiện hỗ trợ và ngược lại nếu như NLĐ của DN này được hỗ trợ theo nhóm 1 thì NSDLĐ không được hỗ trợ vay vốn theo nhóm 6.
 
Đối với nhóm 1, chỉ quy định chi hỗ trợ cho NLĐ làm việc tại các DN, không quy định làm việc ở các đơn vị sự nghiệp. Trong khi đó, một số đơn vị sự nghiệp vẫn có NLĐ bị tạm hoãn thực hiện HĐLĐ nghỉ việc không lương nhưng không được hỗ trợ, như số giáo viên, bảo mẫu của các trường mầm non công lập, ngoài công lập.
 
Các DN lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ nghỉ việc không lương, trong đó, có hồ sơ kèm theo là báo cáo tài chính của DN để chứng minh là không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương theo quy định tại Quyết định số 15/QĐ-TTg. Nhưng thực tế, các địa phương không thể thẩm định được tài chính của DN có thực sự không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương cho NLĐ, chỉ nắm thông qua báo cáo tài chính DN.
 
Đối với nhóm NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm (nhóm 4), chưa quy định cụ thể, nên rất khó cho các địa phương trong việc xác định ngành nghề, lĩnh vực cho NLĐ như: vận chuyển hàng hóa, chăm sóc sức khỏe, bán hàng rong. Đồng thời, rất khó xác định về thu nhập của NLĐ dưới mức chuẩn của cận nghèo hoặc không có thu nhập để đề nghị hỗ trợ.
 
Một số ngành nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng không có quy định tại Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 như: gói kẹo, phụ hồ, thợ hồ, may gia công, tài xế lái xe dịch vụ chở khách… Do đó, NLĐ làm việc các lĩnh vực này không được hỗ trợ. Đối với (nhóm 2) hộ kinh doanh có nhiều trường hợp bắt buộc phải dừng hoạt động theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 nhưng không khai báo thuế nên không đủ điều kiện hưởng theo quy định.
 
Thạch Thảo - (baodongkhoi.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội