Đi tìm mùa chim làm tổ

Chủ nhật, 24 Tháng 5 2020 23:06 (GMT+7)
Như một quy luật, cứ tới tháng 5, tháng 6 hàng năm là vùng Đồng Tháp Mười (nằm trên địa phận Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp) rộng lớn lại xuất hiện hàng trăm đàn chim di cư từ những phương trời xa xôi về làm tổ. Không chỉ có ở những khu vực nổi tiếng như Tràm Chim, Gáo Giồng, Láng Sen, Gò Tháp… mà người ta có thể bắt gặp những đàn chim di trú ở khắp nơi.
 
Đi tìm mùa chim làm tổ
Những đàn cò ốc di trú ở Tam Nông.
 
Từ những cánh đồng lúa, cỏ năng cho tới bưng bàu hoang vu, những dòng kênh hay thảm rừng tràm gió ngút ngàn. Có một thời, người dân vùng thượng nguồn châu thổ nghĩ rằng những đàn chim làm tổ ấy là một “mùa”, như quy luật tự nhiên vậy. Nó như mùa nước đỏ, mùa cá linh non, mùa bông so đũa, mùa hoa tràm rụng, mùa đốt đồng… Nhưng không ai có thể ngờ rằng, quy luật tự nhiên rồi cũng thay đổi bởi ngay cả mùa khô, mùa mưa xứ này cũng khác. Và những đàn chim di trú đi về đây làm tổ cũng đã thưa thớt, ít đi rất nhiều.
 
 Một nhân viên làm việc lâu năm ở vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), nơi nổi tiếng với những đàn chim di trú từ phương Bắc của Campuchia hay Thái Lan thường bay về làm tổ nơi đây. Anh bảo, có hàng trăm loại chim như cò ốc, cò xám, diệc xám, giang sen… hay đặc biệt là loài sếu đầu đỏ quý hiếm. Sếu đầu đỏ gần như là một “đặc sản” của khu vườn quốc gia rộng lớn với chủ yếu là đồng đất trũng, kênh rạch, tràm, cỏ bàng… này. Có lẽ, cũng nhờ những đàn sếu đầu đỏ di trú, tìm về Tràm Chim làm tổ mỗi năm vài tháng để sinh sôi, nảy nở mà đây trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp. Nhưng rồi lượng khách du lịch tìm tới Tràm Chim tỷ lệ nghịch với những đàn sếu đầu đỏ tìm tới đây. Hiện nay, mùa chim làm tổ rất khó tìm được sếu đầu đỏ ở Tràm Chim. Lâu mới có một vài cá thể đến rồi ít ngày sau lại bay đi, vì chúng không tìm thấy môi trường phù hợp để sinh nở ở Tràm Chim nữa.
 
Ông Nguyễn Văn Đạo, 66 tuổi, một nông dân ở xã Tân Công Sính (Tam Nông, Đồng Tháp) kể rằng, từ tháng 5, tháng 6 thì chim di trú bắt đầu tìm về vùng biên giới Đồng Tháp Mười để làm tổ, kết đôi. Sau đó, chừng 1-2 tháng sau, khi mùa mưa bắt đầu, nước ở đây tràn đồng cũng là lúc chim chóc nhiều vô số kể.
 
Quy luật ấy của trời đất bao năm vẫn thế. Nhưng vài năm gần đây, nó bị thay đổi nhiều bởi tập quán săn bắt của con người. Vô vàn những cái bẫy tinh vi mà ngay cả con người cũng bị mắc lừa được những tay thợ săn ranh mãnh đặt xuống. Hậu quả, đàn chim di trú thưa vắng dần tỷ lệ nghịch với những lồng chim bày bán tràn lan ven quốc lộ 62, N2, tỉnh lộ và đặc biệt là chợ chim Thạnh Hoá. Được tỉnh Long An thành lập với cái tên khá chất phác, Chợ nông sản Thạnh Hoá (huyện Thạnh Hoá, Long An) nhưng ở đây rất hiếm nông sản.
 
Thực tế thì bán nông sản, như khoai mỡ, rau, củ, trái cây… thì không ai mua, vì chợ nằm ven quốc lộ 62, xa khu dân cư. Mặt hàng duy nhất nối tiếng là chim cò, các động vật quý hiếm vùng ngập nước. Năm ngoái tôi cùng anh bạn ngoài Hà Nội vào chơi miền Tây ghé chợ chim Thạnh Hoá đã thực sự ngỡ ngàng về sự ‘ trù phú’ của thế giới chim cò nơi đây. Hàng chục ngàn con, thuộc cả trăm loài đều được bày bán công khai, nhốt trong lồng và buộc chân, treo ngược lên. Thậm chí một vài loài thuộc sách đỏ mà lâu lâu có nhà báo ghé qua vẫn chụp hình được.
 
Nhưng điều bất ngờ nhất, đây chỉ là phần nổi của tảng băng buôn bán, săn bắt chim trời hoang dã vì mấy chủ sạp ở chợ thấy tôi và anh bạn ngó nghiêng, đi đi lại lại mấy tiệm chưa lựa mua được con nào thì bảo, các anh muốn tìm loại gì ở đây cũng có hết. Giờ kiểm lâm họ làm dữ quá, ngoài này chỉ bày một ít giới thiệu thôi. Phía sau rừng tràm có chuồng lớn nuôi nhiều loại quý hiếm hơn. Muốn loại nào cũng có. Trong tủ đông cũng có nhiều loại hiếm mang từ Campuchia về. Ở đây em bán chủ yếu cho khách mối, nhà hàng đặc sản trên TPHCM, Tân An, Mỹ Tho. Lâu lâu có cả khách ngoài Hà Nội đặt hàng cũng đóng gói gửi xe khách ra luôn.
 
Đi tìm mùa chim làm tổ - 1
Một cá thể sếu đầu đỏ mô hình trong vườn quốc gia Tràm Chim.
 
Chúng tôi đã mất nhiều ngày để đi tìm những đàn chim di trú làm tổ hiện nay. Từ Tràm Chim, Láng Sen, những khu bảo tồn ngập nước đặc trưng nhất của vùng chiêm trũng Đồng Tháp Mười này cho tới những cánh đồng, ruộng tràm. Miền Tây hiện nay đang oằn mình trong cơn khát khô khốc. Những ngày đầu tháng 5/2020, một vài cơn mưa đã xuất hiện nhưng chưa đủ nước để sinh vật sinh sôi nảy nở. Thế nhưng, những đàn cò ốc lại bất ngờ xuất hiện nhiều ở nơi đây. Ông Đạo bảo, mặc dù mang tên cò ốc (cò nhạn) nhưng đây là loài chim thuộc họ hạc.
 
Dù không to lớn và đặc biệt như sếu đầu đỏ nhưng cò ốc cũng là sinh vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam, là loài được bảo tồn và bảo vệ nghiêm ngặt. Có lẽ vì sự quý hiếm của chúng mà rất bất ngờ khi chứng kiến trên đồng lúa nằm giữa xã Hoà Bình và Tân Công Sính (huyện Tam Nông) hàng ngàn con cò ốc đang cặm cụi tìm kiếm thức ăn. Ông Đạo lại bảo, thực tế cò ốc cũng gây hại cho cây lúa, nhất là khi chúng kiếm thức ăn trên đồng lúa của nông dân. Nhưng loài ốc (chủ yếu là ốc bươu vàng) cũng gây hại cho lúa không kém.
 
Đó cũng là lý do người dân vùng này ít khi xua đuổi cò ốc nếu bắt gặp chúng trên đồng lúa bởi nhiều người cho rằng, ốc bươu có hại hơn cò ốc.
 
Đến giờ, nhiều người vẫn nhầm tưởng những đàn chim di trú “tìm tới” vùng Đồng Tháp Mười này mỗi năm mà không biết rằng, chính xác chúng đang “tìm về”. Theo quy luật của tự nhiên, thời gian này những đàn chim ấy bắt đầu tìm tới, làm tổ để chuẩn bị cho mùa sinh sản, thường từ tháng 8 cho tới gần cuối năm.
 
Những chú chim non mới sinh sôi ấy sẽ có một hai tháng để lớn lên, bay đi những phương trời xa lạ cho tới năm sau, khi tới mùa sinh sản thì chúng lại tìm về. Nghĩa là những cánh rừng tràm, đồng cỏ năng, những bưng bàu ngập nước kia là nơi chúng sinh ra. Những đàn chim di trú không bay đến mà chúng đang bay về, trong một vòng đời bất tận của tự nhiên hàng ngàn năm qua.
 
Không ai định hình được thiên nhiên, trời đất, vạn vật. Đó là lý do những đàn chim di trú sau khi bay ngàn cây số, chúng có thể tìm đậu xuống bất cứ đâu, miễn phù hợp. Chúng không phân biệt ranh giới vườn quốc gia, khu bảo tồn hay đồng lúa, cỏ hoang. Những đàn chim ở vùng Đồng Tháp Mười ngày càng có giá trị hơn…những đàn chim. Chúng là hiện thân của một không gian thiên nhiên được quảng bá rộng rãi bởi các khu du lịch, chúng là niềm tự hào của nhiều người ăn lương làm công tác bảo vệ… Hình ảnh ngắm nhìn những đàn chim bây giờ có giá hàng triệu đồng, trong khi nhu cầu thì lên đến hàng ngàn người.
 
Ngược lại, nếu không có những đàn chim kia, nhiều người sẽ mất cả chục tỷ đồng vì thất thu. Vì thế, ngày càng nhiều khu du lịch, vườn quốc gia, khu bảo tồn... người ta bắt đầu xây dựng những “khu tự nhiên hoang dã” để mời gọi các đàn chim quay về. Đây là điều đáng ghi nhận nhưng nó cũng đồng thời thông báo rằng, môi trường tự nhiên không còn là nơi an toàn với loài chim nữa.
 
Đoàn Xá - (daidoanket.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội