Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Không trả trước 50 triệu USD cho tổng thầu Trung Quốc

Thứ tư, 03 Tháng 6 2020 09:35 (GMT+7)
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã trải qua 4 đời bộ trưởng, với 8 lần chậm tiến độ. Việc tổng thầu đề nghị ứng 50 triệu USD trước khi chạy thử tàu khiến dư luận càng bức xúc
Trưa 2-6, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có thông cáo báo chí về thông tin tổng thầu Trung Quốc tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đề nghị thanh toán 50 triệu USD trước khi vận hành hệ thống.
 
Dù thiếu tiền vẫn chạy thử tàu
Theo Bộ GTVT, tại cuộc họp trực tuyến ngày 12-5 giữa Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt với Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, ông Tiêu Vu Thái, tổng giám đốc công ty, cho biết tổng thầu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ.
 
Tổng thầu Trung Quốc kiến nghị chủ đầu tư thanh toán 50 triệu USD trước khi vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án. Bộ GTVT khẳng định: Đây là giá trị đã hoàn thành mà tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), không phải là chi phí tăng thêm của hợp đồng. Ban QLDA Đường sắt đã thanh toán cho tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%.
 
Ban QLDA Đường sắt ghi nhận những khó khăn về tài chính của tổng thầu. Tuy nhiên, việc tổng thầu đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã ký. Ban QLDA sẽ thanh toán cho tổng thầu theo quy định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đây là ý kiến trao đổi trong cuộc họp, không có văn bản chính thức nên Bộ GTVT không xem xét đề nghị này của tổng thầu Trung Quốc.
 
"Các mốc thanh toán trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được Việt Nam thực hiện theo quy định hợp đồng EPC. Do vậy, trường hợp tổng thầu Trung Quốc ra văn bản với yêu cầu nêu trên thì cũng không được xem xét do trái quy định hợp đồng. Nếu tổng thầu Trung Quốc gặp khó khăn tài chính tại thời điểm này cũng phải chạy thử tàu, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền đó" - ông Đông nói.
Về vướng mắc trong giải ngân khoản vay bổ sung ODA cho dự án (thêm 250 triệu USD), theo ông Nguyễn Ngọc Đông, cơ bản không còn vướng mắc, chỉ còn một số khoản thanh toán do liên quan tới kiểm toán đang làm nên đã tách ra, thanh toán sau.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Không trả trước 50 triệu USD cho tổng thầu Trung Quốc - Ảnh 1.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chưa rõ ngày vận hành. Ảnh: NGÔ NHUNG
Tổng thầu "nắm đằng chuôi"?
Cùng ngày, ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đã trả lời báo chí liên quan đến dự án này.
Ông Phạm Thanh Học nêu ra 3 vấn đề còn vướng mắc của dự án. Cái khó nhất hiện nay là tổng thầu Trung Quốc chưa bàn giao hồ sơ, thứ hai là phải có hồ sơ thì mới có thể nghiệm thu cấp cơ sở và phải có nghiệm thu cấp cơ sở thì mới nghiệm thu cấp nhà nước. "Hiện, về đường sắt thì hầu như đã xong, tàu đã chạy thử, anh em đã tập dượt nhiều lần... nhưng thiếu 3 điều kiện trên thì không thể vận hành được" - ông Học nói.
 
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể khởi động lại từ sau Tết Canh Tý tới nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chuyên gia Trung Quốc và chuyên gia thẩm định của Pháp chưa thể sang Việt Nam.
Phía Việt Nam và Trung Quốc đã cơ bản đồng ý để các chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam, đang đợi chính quyền TP Hà Nội có văn bản đồng ý và bố trí khu cách ly. Khi các chuyên gia này sang Việt Nam vẫn phải thực hiện cách ly trong 14 ngày, sau đó mới bắt đầu công việc chạy thử tàu. Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, thời gian nào dự án khởi động và hoàn thành hiện vẫn chưa thể nói trước.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT. Theo Bộ GTVT, dự án Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác; tồn tại một số vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ khu depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh - quyết toán.
 
Dự án có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu depot. Chủ đầu tư là Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA Đường sắt. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng (552,86 triệu USD); tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD). Từ khi khởi công đến nay, dự án đã chậm tiến độ 5 năm, 8 lần phải điều chỉnh tiến độ.
 
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Theo đó, Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (tăng 205,27%) tại Quyết định số 531/QĐ-BGTVT ngày 23-2-2016 khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội. Trách nhiệm liên quan đến các sai sót này nếu tính theo thời điểm thực hiện, chủ yếu liên quan trực tiếp đến bộ trưởng và các thứ trưởng phụ trách dự án giai đoạn 2011-2016. Giai đoạn này, Bộ trưởng GTVT là ông Đinh La Thăng, Thứ trưởng phụ trách dự án là ông Nguyễn Hồng Trường. Cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đang chịu án tù do liên quan đến 2 vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. 
 
. PGS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
Chính phủ nên thành lập một ban để giải quyết
Những tồn tại, bức xúc của nhân dân về dự án này, người ta đã nói quá nhiều rồi và quá ngán ngẩm, quá nản rồi, bởi những lời hứa hẹn về giải pháp hay tiến độ hoàn thành, không ai dám tin nữa.
 
Đã đến lúc Chính phủ cần lập ra một ban để xem xét tổng thể và trực tiếp xử lý, giải quyết những vướng mắc, tồn tại của dự án này. Bởi có thể Bộ GTVT cũng chưa chắc đủ khả năng, tư cách để làm việc hay chỉ đạo nhà thầu Trung Quốc, rồi làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc và các bên liên quan, vì dự án này liên quan đến hiệp định vay vốn. Tôi thấy cứ để cho Bộ GTVT thì cũng khó cho họ.
 
. PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):
Quy trách nhiệm cá nhân
Dự án triển khai không theo quy trình thủ tục, đội vốn kinh khủng, chậm tiến độ nhiều lần, đã phát sinh nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong nhân dân. Tôi cực kỳ thất vọng khi câu hỏi bao giờ đưa dự án vào khai thác thì không lãnh đạo nào của ngành GTVT trả lời nổi. Dự án trải qua 4 đời bộ trưởng GTVT nhưng trách nhiệm chính là người phê duyệt dự án. Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rất rõ những sai phạm nhưng bây giờ phải quy trách nhiệm cụ thể các cá nhân, tập thể.
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội