KẾT THÚC MÙA KHÔ NĂM 2019- 2020: Xâm nhập mặn gây ảnh hưởng hơn bao giờ hết...

Thứ tư, 03 Tháng 6 2020 13:35 (GMT+7)
 
Không ít nhà vườn đau lòng đốn bỏ cả vườn sầu riêng trồng hơn 20 năm, có cây gần 30 năm để trồng lại sau đợt hạn mặn vừa qua.  Ảnh THẢO LY
Không ít nhà vườn đau lòng đốn bỏ cả vườn sầu riêng trồng hơn 20 năm, có cây gần 30 năm để trồng lại sau đợt hạn mặn vừa qua. Ảnh THẢO LY
 
Mùa khô năm 2019- 2020 ở tỉnh Vĩnh Long sắp qua, nay nhìn lại để thấy rõ hơn về những diễn biến bất thường của xâm nhập mặn và những đóng góp, nghĩa cử cao đẹp của các cấp chính quyền, tổ chức đã chung tay cùng nhân dân vùng bị thiên tai vượt qua khó khăn, thiệt hại...
 
Mặn đạt mức kỷ lục mới, tỉnh công bố thiên tai xâm nhập mặn lần thứ 2
 
Khác với mùa khô năm 2015- 2016, năm nay ĐBSCL không bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhưng do lượng nước chảy về đồng bằng thiếu hụt nhiều so với mọi năm và tác động mạnh của triều biển Đông nên mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và độ mặn lên cao mức lịch sử ở các tháng đầu mùa khô và kéo dài đến tận tháng 3, tháng 4, đầu tháng 5. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, diễn biến xâm nhập mặn trong mùa khô bất thường hơn so với các năm trước.
 
Bất thường thứ nhất là: Ngay từ những ngày 8, 9/12/2019, độ mặn trên 5‰ (phần ngàn) đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh, sớm hơn mùa khô năm 2018- 2019 một tháng. Đỉnh mặn mùa khô xuất hiện vào đầu tháng 1 (trên sông Cổ Chiên), đầu tháng 2 (trên sông Hậu) và đầu tháng 3 (trên sông Tiền).
 
Đỉnh mặn tại các trạm đo cố định phía sông Cổ Chiên (từ 6,2- 10‰), sông Hậu (từ 2,2- 6,9‰) đều vượt đỉnh mặn lịch sử năm 2016 từ 0,4- 2,9‰; phía sông Tiền (địa phận huyện Long Hồ), đỉnh mặn đạt từ 3,6- 4,5‰.
 
Bất thường thứ hai là lần đầu tiên ghi nhận độ mặn vào đầu tháng 3 trên sông Tiền giáp tỉnh Tiền Giang rất cao (từ 3,6- 4,5‰) tại xã Bình Hòa Phước là chưa từng thấy xảy ra tại đây.
 
Bất thường thứ ba là mặn lấn sâu vào đất liền hơn năm trước. Trên sông Hậu, độ mặn cao nhất tại xã Tích Thiện (Trà Ôn) đạt 7,8‰- cách cửa biển 53km; ranh giới mặn 4‰ lấn sâu vào khoảng 60km (sâu hơn năm 2016: 7km); độ mặn 2‰ đã vượt qua vàm Trà Ôn, đến tận rạch Chanh (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh)- khoảng 70km; độ mặn 1‰ đã lên tới rạch Phù Ly (xã Đông Bình- TX Bình Minh)- khoảng 80m cách cửa biển.
 
Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 10‰ ảnh hưởng tới xã Trung Thành Đông, xã Thanh Bình (Vũng Liêm); ranh giới mặn 6‰ đã vượt qua cù lao Dài (Vũng Liêm), qua vàm Măng Thít- cách cửa biển 60km; ranh mặn 4‰ ảnh hưởng tới xã Mỹ Phước (Mang Thít)- cách cửa biển 70km (sâu hơn năm 2016: 6km); ranh mặn xấp xỉ 1‰ ảnh hưởng tới xã Bình Hòa Phước (Long Hồ)- khoảng 80km. Phía sông Tiền, ranh giới mặn trên 4‰ xuất hiện tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ)-cách cửa biển khoảng 90km.
 
Từ giữa đến cuối tháng 4, độ mặn các nơi giảm đáng kể, nguồn nước nhìn chung đỡ khó khăn hơn đối với sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 5, độ mặn trên sông Cổ Chiên bất ngờ lên cao, tại xã Trung Thành Tây (Vũng Liêm) từ 3- 3,8‰.
 
Trước tình hình xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống nhân dân, ngày 23/4/2020, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn (mức độ rủi ro cấp 2) tại các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ và các huyện: Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn. Đây là lần thứ hai tỉnh công bố tình trạng này, sau năm hạn, mặn lịch sử năm 2016.
 
Bất thường thứ tư là diện ảnh hưởng của xâm nhập mặn năm nay rộng hơn. Nếu năm 2016 chỉ có 3 huyện (Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít), thì năm nay có 6 huyện- thị bị ảnh hưởng biên mặn từ 1- 10‰ (trừ Bình Tân và TP Vĩnh Long).
 
Đến 28/5/2020, tổng số hộ bị thiếu nước sinh hoạt thời điểm cao nhất là 26.289 hộ. Thiệt hại về cây trồng hơn 36 tỷ đồng, trong đó: lúa, rau màu bị nhiễm mặn thời điểm cao nhất hơn 300ha; cây ăn trái: bị nhiễm mặn 739,5ha và còn nhiều diện tích cây ăn trái ở 2 xã Đồng Phú, Bình Hòa Phước bị nhiễm mặn, bị thiếu nước đang được rà soát, thống kê thiệt hại.
 
Để chủ động hơn trong ứng phó xâm nhập mặn
 
Công tác phòng, chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn năm nay được triển khai thực hiện hết sức khó khăn trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh rất quan tâm.
 
Ngay từ tháng 10/2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai rộng rãi công tác này đến tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh.
 
Giữa tháng 12/2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị, các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xem công tác này là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và thường xuyên của cả hệ thống chính trị trong tỉnh.
 
Nông dân chuyển đổi cây trồng thích ứng với điều kiện hạn, mặn. Ảnh: HÀ THÀNH THẶNG
Nông dân chuyển đổi cây trồng thích ứng với điều kiện hạn, mặn. Ảnh: HÀ THÀNH THẶNG
 
Các cấp chính quyền chỉ đạo đo mặn, thông báo kết quả hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở cấp tỉnh, thông tin nhanh về diễn biến hạn, mặn thông qua hệ thống tin nhắn SMS đến 293 đầu số.
 
Các huyện vùng bị nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít cũng thực hiện tin nhắn này đến 750 đầu số. Công tác tuyên truyền, thông tin, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn và bảo vệ nguồn nước, môi trường cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục, thông qua nhiều hình thức.
 
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, phương án ứng phó hạn, xâm nhập mặn và quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để ứng phó, khắc phục hậu quả của xâm nhập mặn gây ra.
 
Tỉnh điều chỉnh thời vụ vụ lúa Đông Xuân 2019- 2020 và Hè Thu 2020 xuống giống sớm hơn để né mặn và hạn.
 
Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh và Sở Nông nghiệp- PTNT thực hiện 19 cuộc tập huấn phòng chống hạn mặn trên cây trồng; tuyên truyền và cấp phát 69.500 tờ tài liệu bướm “Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn mặn”, “Hướng dẫn quy trình trữ nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn và các giải pháp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi”. UBMTTQ Việt Nam tỉnh, huyện tổ chức tuyên truyền 160 cuộc có 6.400 lượt người dự, phát 56.000 tờ bướm về thông tin về hạn, mặn.
 
Các huyện- thị- thành đã triển khai thực hiện 108 công trình thủy lợi mùa khô (hoàn thành 84 công trình); nhân rộng các mô hình trữ nước ngọt trong túi nhựa, các mô hình tưới tiết kiệm nước, trữ nước trong mương vườn, đắp đập tạm, giếng khai thác nước ngầm để hòa mạng với nhà máy nước mặt hiện có.
 
Các huyện Vũng Liêm, Long Hồ, TX Bình Minh còn tự trang bị máy đo mặn và cung cấp cho cấp xã... Cấp xã thi công hoàn thành 49 công trình thủy lợi nhỏ. Huyện Vũng Liêm sử dụng 5 trạm bơm điện cố định, 7 điểm bơm di động (mô- tơ điện), huy động 5.394 máy bơn loại nhỏ trong dân để bơm tát
chống hạn.
 
Trong khó khăn đã thấy những nghĩa cử cao đẹp đối với người dân vùng bị ảnh hưởng. Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 3.067 bồn, thùng và túi chứa nước, 3 máy lọc nước mặn thành nước ngọt và đường ống cấp nước sạch cho ấp Tích Khánh (xã Tích Thiện- Trà Ôn), trị giá trên 4,7 tỷ đồng (chưa kể số huy động của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long).
 
Số dụng cụ chứa nước trên để cấp cho nhân dân vùng hạn, mặn trong tỉnh, giúp giảm bớt khó khăn về nguồn nước cấp cho sinh hoạt và tưới cho cây trồng.
 
Một điểm mới so với những năm trước đây là năm nay các xã vùng bị nhiễm mặn cao được doanh nghiệp hỗ trợ máy lọc nước mặn thành nước ngọt, cấp miễn phí nước sinh hoạt cho dân theo kiểu “máy ATM” giải quyết khó khăn đáng kể về nước sinh hoạt cho dân vùng bị nhiễm mặn, hạn hán tại xã Quới Thiện (Vũng Liêm), xã Bình Hòa Phước (Long Hồ).
 
HÀ THÀNH THẶNG - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội