Ông Bảy Nghĩa bên bức tranh Bác Hồ bằng lá sen vừa hoàn thành.
►Đi tìm chất liệu mới
Ông Bảy Nghĩa kể, ông yêu thích hội họa từ nhỏ, nhưng trước đây do điều kiện gia đình không cho phép ông học bài bản mà phải tự mày mò là chính. Từ học lóm qua các tác phẩm hội họa và nhờ một số họa sĩ chỉ dẫn, dần dà ông đã tự sáng tạo tác phẩm khi còn rất nhỏ. Có thể nói, vẽ là niềm đam mê gắn bó với ông thời gian dài nhưng ông chưa bao giờ nhận mình làm nghề chuyên nghiệp. “Lúc chưa đi học, tôi đã biết vẽ. Đến khi đi học thì tham gia vẽ tranh cho nhà trường, lớn lên lại đi vẽ ở nhiều nơi. Đầu năm 1982, khi nhập ngũ, tôi được giao vẽ tranh chân dung các anh hùng liệt sĩ, gia đình cách mạng… Sau này, khi rời quân ngũ, mặc dù theo nghề mộc nhưng có thời gian rảnh là tôi mày mò nghiên cứu vẽ, xem như một thú vui” - ông Bảy Nghĩa kể.
Theo ông Bảy Nghĩa, cách đây khoảng 4 năm, sau một biến cố lớn của gia đình, ông phát hiện và sử dụng vỏ tràm để làm tranh. Dòng tranh này sau đó được rất nhiều người chú ý vì tính chất độc lạ và sáng tạo. Tuy nhiên, do tràm được trồng phổ biến nên đâu đâu cũng có, không có gì đặc biệt, không làm thỏa sức sáng tạo và mong muốn khẳng định nét riêng nên ông từ bỏ chất liệu này, bắt đầu chuyển qua làm tranh bằng lá sen. “Tràm ở đâu cũng có nên không có gì đặc trưng. Tính tôi, một là không làm, còn đã làm thì phải có gì đó riêng riêng một chút, nên mới quyết định làm bằng lá sen” - ông Bảy Nghĩa tâm sự.
Với những người chuyên nghiệp, việc chọn cho mình một chất liệu mới để thử sức còn gian nan huống chi với một họa sĩ nghiệp dư như ông. Theo ông Bảy Nghĩa, tranh chất liệu là một nhánh nghệ thuật độc đáo, bằng việc ghép chất liệu theo khối hình và màu sắc để làm nên một bức tranh có hồn. Với tranh chất liệu, hầu hết màu sắc là màu tự nhiên vốn có của chất liệu và người làm tranh phải lựa chọn rất kỹ lưỡng. Thế mạnh của tranh chất liệu là tạo cảm giác rất chân thật. Những phong cảnh, sự vật được mô tả trở nên sống động hơn. Các dòng tranh của chất liệu bao quát toàn bộ mọi đề tài mà các loại tranh khác khó thể hiện.
“Tôi là dân Đồng Tháp, thường được gọi là Đất Sen Hồng với đặc trưng là sen. Hoa sen lại là quốc hoa. Sử dụng một loại chất liệu vừa có ý nghĩa đối với đặc trưng của địa phương lại mang tầm quốc gia thì còn gì bằng” - ông Bảy Nghĩa nói.
Vì những ý nghĩa sâu xa và giá trị đó, nên mặc dù quá trình tạo tác tranh bằng lá sen gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Bảy Nghĩa vẫn miệt mài, chăm chút, rút kinh nghiệm qua các lần thất bại, chỉnh sửa để cho ra đời tác phẩm ưng ý và giá trị nhất. Từ những tác phẩm bình thường, ông quyết dấn thân với nghệ thuật khi làm thêm các bức tranh về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bởi theo ông, làm tranh Bác Hồ bằng lá sen là tròn đầy ý nghĩa. “Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam, xứng tầm với một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một danh nhân văn hóa lớn của thế giới” - ông Bảy Nghĩa nói. Có lẽ vì thế mà ông Bảy Nghĩa đã tâm đắc sử dụng chất liệu bằng sen để truyền tải cái thần, cái hồn vào những bức tranh về Bác.
►Khát vọng làm tranh thương hiệu Việt
Theo ông Bảy Nghĩa, làm tranh bằng lá sen khó hơn rất nhiều so với làm bằng tràm. “Sen có độ co giãn, tính biến màu và mối mọt đục trong lá dễ hư hỏng”. Để nhận biết và khắc phục những hạn chế đó, ông Bảy Nghĩa đem lá sen về để qua vài tháng cho khô tự nhiên, màu ổn định mới bắt đầu làm tranh. “Tôi đem ra phơi sương, phơi nắng liên tục để thử độ bền của tranh, qua đó rút kinh nghiệm để bảo quản tranh lâu hơn.
Không chỉ vậy, keo để dán lá cũng công phu lắm. Phải sử dụng nhiều loại keo trong một bức tranh, dùng keo gốc nước mà tha lên thì thua, không dính được mà còn hỏng luôn tranh” - ông Bảy Nghĩa chia sẻ.
Để hoàn tất một bức tranh phải qua các công đoạn: chọn lá, phơi khô, cắt hoặc xé, phân màu, cố định lá sen, chỉnh sửa, phủ keo để giữ cố định các chi tiết. Lúc đầu ông làm tranh bằng lá sen, sau đó nghiên cứu làm bằng gân sen, bụi sen… Hầu như cái gì có thể chế tác để làm tranh, ông đều nghiên cứu và vận dụng.
Ông đã thử qua nhiều thể loại tranh: tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, tranh chân dung và cuối cùng chân dung vẫn là thể loại mang lại trong ông nhiều cảm xúc nhất. Ở mỗi bức chân dung, ông đều thể hiện được tính cách, thần thái của từng nhân vật lên khuôn mặt và ánh mắt.
Ông Bảy Nghĩa đang làm bức tranh đôi vợ chồng bằng lá sen.
Nói về nghệ thuật làm tranh Bác Hồ bằng lá sen, ông Bảy Nghĩa cho biết, làm tranh Bác đòi hỏi rất nhiều công phu, không chỉ giống mà phải có thần, có hồn, phải thể hiện rõ trên nét mặt. Suốt ngày ông cứ miệt mài với công việc làm tranh, có ngày làm đến hơn 20 giờ, quên ăn uống, ngủ nghỉ. “Trước hết phải làm cho hình giống trước. Sau đó nâng chiều sâu cặp mắt, nụ cười hiền hòa trong sáng hơn, gương mặt phúc hậu hơn. Làm tranh về Bác Hồ đặc biệt phải có những điều đó. Làm hình Bác mà không nâng được những điều đó thì sẽ không ra Bác. Liên Xô có tiêu chuẩn mỹ thuật Lênin, khi vẽ Lênin phải tuân thủ các tiêu chuẩn đó.
Việt Nam mình chưa có tiêu chuẩn mỹ thuật Hồ Chí Minh. Nếu có thì muốn vẽ Bác Hồ phải thông qua trường lớp dạy chuẩn mỹ thuật Hồ Chí Minh, trong tác phẩm phải nâng được thần thái của Bác” - ông Bảy Nghĩa nói.
Làm tranh bằng lá sen là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo và khéo léo cao độ nên ông Bảy Nghĩa nói đây là công việc khó truyền nghề. Để tạo nên tác phẩm đòi hỏi họa sĩ phải tự phác thảo bức tranh trong đầu, phải thuộc hình, tưởng tượng rồi dán chất liệu vào giấy, nếu dán không cẩn thận sẽ bị lệch. “Tôi muốn làm ra một dòng tranh mà nhìn vào đó, bạn bè quốc tế biết ngay là tranh Việt Nam” - ông Bảy Nghĩa bộc bạch. Để làm điều đó, ông Bảy Nghĩa đã gửi gắm vào dòng tranh được làm từ lá sen. Theo ông, hoa sen là quốc hoa của Việt Nam nên khi dòng tranh này ra đến nước ngoài, người ta nhìn vào sẽ biết ngay là của Việt Nam, không những thế nó còn giúp lan tỏa tính dân tộc đến nhiều quốc gia trên thế giới.
BÌNH NGUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)