Vĩnh Long đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 gắn với khôi phục sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời yêu cầu trong tháng 6 và những tháng tiếp theo toàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Đảm bảo vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế- xã hội.
Sản xuất dần phục hồi
Theo UBND tỉnh, trong tháng 5/2020, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 gắn với khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ; bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và ổn định đời sống nhân dân theo chỉ đạo của Chính phủ, nên kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá so với tháng trước.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 798 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng là 4.056 tỷ đồng, đạt 56,65% dự toán năm, tăng 36,6% so cùng kỳ. Tổng chi ước 677 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, lúa Hè Thu xuống giống được trên 48.000ha, đạt gần 93% kế hoạch, giảm 9,3% so cùng kỳ do ảnh hưởng hạn, mặn và người dân chủ động chuyển đổi cây trồng. Trồng trọt rau màu, chăn nuôi ổn định, nhất là sau khi dịch tả heo Châu Phi được kiểm soát.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của ngành nông nghiệp hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp- PTNT, dù giá thịt heo tăng cao nhưng việc tái đàn chậm do chi phí đầu tư, nhất là nguồn giống khá cao, người dân ngán ngại. Giá thủy sản có tăng nhưng vẫn thấp hơn giá thành. Ngoài lúa có giá ổn định mức cao thì phần lớn giá trái cây đều sụt giảm…
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 41,7 triệu USD, tăng 8,29% so tháng trước nhưng giảm 20,56% so cùng kỳ. Nhập khẩu trong tháng ước đạt 19,8 triệu USD, tăng 0,83% so tháng trước. Tính chung 5 tháng, tổng giá trị 94,2 triệu USD, tăng 13,62% so cùng kỳ.
Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương- cho rằng nhập khẩu tăng chủ yếu do nhập nguyên phụ liệu để sản xuất, kinh doanh. Đánh giá về chỉ số toàn ngành công nghiệp, ông cho biết trong tháng 5 giảm 1,53% so tháng trước và giảm 8,57% so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng đạt 4.375 tỷ đồng, tăng 27,26% so tháng trước. Tính chung 5 tháng đạt trên 22.000 tỷ đồng, giảm 0,38% so cùng kỳ.
“Chỉ có 3 nhóm hàng giảm là gạo xay xát, giày thể thao và áo khoác, còn lại hầu hết mặt hàng đều tăng so tháng 4, chứng tỏ sản xuất đã phục hồi”- ông Phạm Tứ Phương cho biết thêm.
Việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ đã tạo tâm lý phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, cùng sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, cá nhân, doanh nghiệp,... chung tay góp sức đã giúp đỡ các đối tượng yếu thế nhanh chóng ổn định cuộc sống, không xảy ra thiếu đói trong dân; các lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục- đào tạo, thông tin- truyền thông, bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện hiệu quả.
Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đánh giá, ảnh hưởng dịch bệnh đã tác động đến sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp, số vụ, người chết do tai nạn giao thông tăng cao…
Phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế- xã hội
UBND tỉnh đề ra giải pháp trong tháng 6 và những tháng tiếp theo phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch COVID-19; thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Phân tích đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); đẩy mạnh giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm, nhất là các công trình xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dần hồi phục.
Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh- yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động đối thoại và giải quyết ngay tại cơ sở những bức xúc của người dân.
Thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; khẩn trương thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong sản xuất nông nghiệp, tập trung chỉ đạo chăm sóc lúa- màu; hướng dẫn nông dân sản xuất phù hợp theo tình hình thực tế của địa phương; tăng cường các biện pháp cấp bách để phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Kịp thời đề xuất giải pháp phù hợp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng; nghiên cứu, mở rộng thị trường để thúc đẩy sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; quản lý thị trường chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, môi trường; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép.
Đẩy mạnh công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động; nắm tình hình doanh nghiệp, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và hỗ trợ hướng dẫn địa phương thực hiện các thủ tục chi trả trợ cấp theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời yêu cầu thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo các điều kiện an toàn tuyệt đối cho học sinh trong trường học; hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 năm học 2020- 2021 và xét tốt nghiệp THCS năm học 2019- 2020; chủ động phương án, kế hoạch chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh, trật tự tại các điểm tổ chức cách ly tập trung; tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; triển khai kế hoạch tấn công, trấn áp các loại tội phạm; bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
|
Bài, ảnh: HOÀNG MINH - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)