Giật mình với các dự án "ma"

Thứ sáu, 12 Tháng 6 2020 17:25 (GMT+7)
Dấu hiệu vẽ dự án "ma" để trục lợi bất chính ở TP HCM vẫn không giảm nhiệt dù không ít công ty bị "sờ gáy", đối tượng cầm đầu bị khởi tố, bắt giam
Cứ ngỡ giữa tháng 5-2020, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Công ty CP King Home Land do ông Đặng Tiến Trường (28 tuổi, làm giám đốc) thì việc chiêu dụ người mua dự án "ma" sẽ dừng lại. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, một vài dự án "ma" của công ty này vẫn tiếp tục có dấu hiệu phân lô, bán nền.
 
Đổi tên để tiếp tục làm liều
Đơn cử, khu đất tại khu phố 5, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM trước kia được Công ty CP King Home Land "vẽ" với tên King Home 2 thì nay đổi tên thành khu dân cư Châu Âu - Thạnh Xuân. Trên các trang giao dịch bất động sản, ông Trường và một số nhân viên vẫn đăng tải bài viết để bán các lô đất với giá từ 2,6 tỉ đồng trở lên tùy theo diện tích.
 
Trong khi đó, bước đầu, cơ quan công an xác định giám đốc công ty này chỉ đạo nhân viên phát tờ rơi hoặc gọi điện thoại cho khách hàng để tiếp thị, quảng cáo và rao bán những nền đất thuộc các dự án không có thật. Hình thức ký kết chỉ là các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Số tiền chiếm đoạt tính đến thời điểm khởi tố vụ án là trên 21,6 tỉ đồng. Ông L.M.T (khách hàng mua dự án "ma") cho biết từ ngày khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan Công ty CP King Home Land, ông không liên lạc được với công ty. Tuy nhiên, gần đây, ông nhận được thông báo của công ty với mong muốn rút đơn để phía công ty khắc phục hậu quả. "Tôi trở lại khu đất ở quận 12 mình từng bị lừa thì thấy có bảng hiệu mới rao bán. Lên mạng xem thấy tái diễn trở lại" - ông T. bức xúc nói và cương quyết không rút đơn cho đến khi nhận lại đủ số tiền đã dùng để mua đất… "ma"!
Giật mình với các dự án ma - Ảnh 1.
Dự án “ma” tại quận 12 do Công ty CP King Home Land vẽ để lừa đảo khách hàng
Tương tự, đầu tháng 11-2019, VKSND TP HCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam của công an cùng cấp đối với bà Phạm Thị Tuyết Nhung (SN 1981, Giám đốc Công ty Angel Lina) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Thế nhưng, bất chấp việc giám đốc bị bắt, những khu đất được vẽ thành dự án của công ty này vẫn tiếp tục có dấu hiệu triển khai. Cụ thể, ở khu đất có tên "Khu dân cư Triều An" (phường An Lạc, quận Bình Tân) vẫn đang triển khai thông qua việc tiếp tục đổ đất và thường xuyên có nhóm người lạ lui tới. Những tấm bảng cảnh báo dựng lên thì lập tức bị các đối tượng lạ xịt sơn. Bất an trước việc này, hàng loạt khách hàng từng bị Công ty Angel Lina lừa đảo đã tìm đến trụ sở UBND phường An Lạc để báo tin.
Nở rộ và bày mưu thổi giá
 
Sau thời gian tạm lắng, gần đây, nhiều địa phương vùng ven TP HCM tiếp tục đau đầu với tình trạng vẽ dự án "ma" hòng phân lô, bán nền trên đất lúa, đất trồng cây lâu năm. Đơn cử tại quận 9 thời gian gần đây, chỉ cần lên mạng là bắt gặp cả chục dự án "ma" rao bán nền. Tiếp cận một "dự án" ở phường Phú Hữu mới thấy hết độ liều lĩnh của người rao bán; đó là khu đất có diện tích khoảng 5.000 m2, qua tìm hiểu mới biết là đất trồng lúa nhưng Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Tân Thành Công phân lô rao bán.
 
Tương tự, những ngày qua, một số đối tượng lạ tìm đến các hộ dân còn đất vườn khá rộng ở khu vực đường Rạch Cát Bến Lức (phường 7, quận 8) và địa bàn giáp ranh là xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh để ngã giá mua đất. Bà Lê Thành Liên (48 tuổi; ngụ xã An Phú Tây) cho biết 2 tuần nay có 2 nhóm người tìm đến hỏi mua đất với giá khá cao. Họ cho hay mua để làm dự án khu dân cư này nọ. "Ở đây toàn đất vườn, không biết họ làm dự án bằng cách nào?" - bà Liên thắc mắc. Theo nghi ngờ của bà Liên, rất có thể nhóm người trên làm động tác "thả mồi" nhằm kích giá đất ở các dự án "ma" quanh khu vực, bởi họ hỏi chứ không thấy quay lại mua.
Giật mình với các dự án ma - Ảnh 2.
Dự án phân lô, bán nền nhưng thực chất chỉ là ao cá, đất ruộng ở quận Bình Tân, TP HCM do Công ty Angel Lina vẽ ra
 
Nghi ngờ của bà Liên không phải không có cơ sở khi thông qua số điện thoại bà Liên cung cấp, chúng tôi liên lạc và người nghe xưng là Đức. Vừa nói ý định mua đất, ông Đức liên tục thông tin về việc Bình Chánh sắp tới có một phần diện tích thuộc khu Nam Sài Gòn sẽ lên quận, đất quận 8 và khu vực xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh sẽ lên rất cao. "Giờ mà anh mua đất đầu tư, đợi khi quy hoạch lên sẽ rất lời. Giá hôm qua là 29 triệu đồng/m2, hôm nay có thể tăng. Vì khi lên quận, đất vườn sẽ dễ dàng lên đất thổ. Lúc đó hốt bạc" - ông Đạt nói và giới thiệu chúng tôi mua đất ở 2 dự án đất nền được phân lô trên đất nông nghiệp.
 
Ngăn ngừa cách nào?
Liên hệ với UBND quận 8, chúng tôi được biết khu vực trên có không ít dự án "ma" - làm dự án trên đất nông nghiệp. "Các đối tượng đến cắm cọc, vẽ dự án trên đất ao nuôi cá và lập tức chính quyền thông tin đến người dân, đồng thời lắp bảng cảnh báo" - đại diện UBND quận 8 thông tin. Tương tự, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết năm 2019 từng ghi nhận nhiều doanh nghiệp liều lĩnh lập dự án "ma". Hiện nay, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để xử lý, quận đã giao nhiệm vụ trực tiếp đến cán bộ cấp phường theo dõi. Nếu nghi ngờ hoặc có thông tin khu đất nào bị phân lô trái phép thì lập tức thông báo để người dân cảnh giác.
 
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, cho biết trong tháng 5-2020, chỉ có 2 dự án mới được mở bán. Ghi nhận cho thấy khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát cùng với việc dỡ bỏ giãn cách xã hội, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực. Trong khi đó, đất có đầy đủ pháp lý, giấy tờ đã bị mua để đầu cơ, tỉ lệ này chiếm đến 90%. Phân khúc chung cư tầm trung cũng được mua đầu tư chờ cơ hội đẩy giá. Đối với người thu nhập thấp chấp nhận mua các dự án giá rẻ chưa rõ ràng pháp lý là điều dễ hiểu. Việc này khiến các đơn vị làm ăn bất chính sẵn sàng lợi dụng để trục lợi, lừa đảo. Do đó, cách ngăn ngừa hay nhất là người mua đừng dại dột, còn chính quyền phải xử thật nghiêm khi phát hiện. 
Mạnh tay với doanh nghiệp làm giá
 
Sở Xây dựng TP HCM cho hay đơn vị này đang kiến nghị UBND TP về việc chuyển đổi quỹ nhà ở thương mại, tái định cư sang nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, nhằm giảm nhiệt nhu cầu nhà ở. Đồng thời, sở này cũng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động vi phạm về đầu tư kinh doanh bất động sản, qua đó sẽ xử lý nghiêm các công ty có dấu hiệu trục lợi thông qua việc làm giá.
 
Họ tìm cách để ai cũng nghĩ đất khu vực này sắp lên cao vì sẽ từ huyện lên quận khiến người dân có đất muốn bán cứ thế tăng giá. Hiển nhiên, giá đất ở các khu phân lô, bán nền trái phép do họ làm chủ dễ dàng bán ra với giá cao".
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội