Nhật Bản hỗ trợ Đồng Tháp 55.000 USD phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thứ năm, 18 Tháng 6 2020 09:05 (GMT+7)
Trong năm 2020, dự án sẽ triển khai tại 32 hộ ở thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành và 3 trường tại huyện Cao Lãnh gồm trường THCS Mỹ Thọ, THPT Cao Lãnh 1 và THPT Thống Linh.
 
Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019 - 2022 sẽ được triển khai tại 9 xã của 6 huyện Đồng Tháp. Ảnh minh họa: Chương Đài - TTXVN
 
Sau tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp trở thành địa phương được tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản Seed to Table - Liên kết con người, tự nhiên và văn hóa (gọi tắt là STT) lựa chọn triển khai Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019 - 2022, với tổng nguồn vốn 55.000 USD.
 
Bà INO Mayu – Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table cho biết, tại Đồng Tháp, dự án sẽ được triển khai tại 9 xã của 6 huyện gồm Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành và Thành phố Cao Lãnh; đồng thời, dự án còn thực hiện ở 12 trường phổ thông cấp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.
 
Theo bà INO Mayu, thông qua dự án, các hộ nông dân quy mô nhỏ sẽ áp dụng nông nghiệp hữu cơ và cải thiện được cuộc sống bằng cách thành lập nhóm sản xuất, áp dụng kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị nông sản, và cải thiện tiếp cận thị trường; các nhóm phụ nữ nâng cao kỹ thuật chế biến nông sản hữu cơ, kỹ năng quản lý chất lượng sản phẩm, và tiếp cận được thị trường.
 
Đặc biệt, không chỉ hướng đến nông dân, dự án còn trang bị kiến thức nông nghiệp hữu cơ cho giáo viên, các em học sinh, từ đó nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của bảo vệ hệ sinh thái và môi trường ngay từ ghế nhà trường;...
 
Là nơi thực hiện dự án đầu tiên trên địa bàn tỉnh từ tháng 6/2019, ông Bùi Ngọc Giàu - Tổ sản xuất rau an toàn xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh cho biết, trước khi bắt tay vào canh tác theo hướng hữu cơ, nông dân được tập huấn về kỹ thuật trồng, ủ phân, cách pha chế các loại thuốc trừ sâu từ thảo mộc (như tỏi, ớt), sử dụng lưới che để giảm tác động của thời tiết,...
 
Ngoài ra, cũng được hướng dẫn rất cụ thể về nguyên tắc, tiêu chuẩn khi trồng rau hữu cơ. Sau một năm áp dụng trồng rau hữu cơ, hệ sinh thái vườn được cân bằng, sâu bệnh giảm, đất đai tơi xốp, rau phát triển tốt. Sản phẩm được tiêu thụ tại quầy rau sạch chợ thành phố Cao Lãnh với giá trung bình 20.000 đồng/kg rau ăn lá, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Quan trọng hơn hết là đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và cả người tiêu dùng.
 
Ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đánh giá, cái mới, cái hay của Dự án là không những hỗ trợ cho nông dân sản xuất trực tiếp mà còn mở rộng cho đối tượng là học sinh trong trường học. Qua đó, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái cho thế hệ trẻ trong tương lai.
 
Trước mắt, trong năm 2020, dự án sẽ triển khai tại 32 hộ ở thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành và 3 trường tại huyện Cao Lãnh gồm trường THCS Mỹ Thọ, THPT Cao Lãnh 1 và THPT Thống Linh.
 
Ông Ngoan thông tin thêm, tại Đồng Tháp, nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 70% dân cư, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
 
Tuy nhiên, tăng trưởng ngành trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ. Chính thực trạng này đã gây tác động tiêu cực đến môi trường như giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng.
 
Trong tương lai, nguồn lực cho tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh không còn được dồi dào và để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp từ chú trọng tăng năng suất, tăng diện tích, tăng vụ để đảm bảo an ninh lương thực sang sản xuất theo hướng an toàn, sản xuất hữu cơ nhằm tiến tới phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững là thiết yếu, ông Võ Thành Ngoan nêu rõ./.
 
Chương Đài - (TTXVN)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội