Xây dựng các tuyến đê kè bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan của vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển.
Tăng cường công tác quản lý
Giám đốc Sở TN&MT Bùi Minh Tuấn cho biết, thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững TN và BVMT biển, tỉnh tổ chức tuyên truyền về chương trình hành động thực hiện chiến lược biển. Đồng thời, lồng ghép các mục tiêu, chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế biển vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Cùng với đó, tăng cường năng lực ứng phó trong lĩnh vực quản lý TN, BVMT của tỉnh giai đoạn năm 2020 - 2025. Xác định nhiệm vụ thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm phát thải khí nhà kính, đề xuất kế hoạch và dự án ưu tiên ứng phó BĐKH ngành TN&MT giai đoạn 2020 - 2025.
Theo ông Bùi Minh Tuấn, tỉnh đã đo đạc lập bản đồ địa chính đối với các cồn mới nổi ven biển thuộc 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú để xác lập cơ sở pháp lý đưa vào quản lý nhằm phát triển tiềm năng kinh tế biển của tỉnh. Hàng năm, ngành TN&MT phối hợp với các ngành và UBND các huyện ven biển tăng cường công tác quan trắc, kiểm soát môi trường ven biển nhằm theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển.
Tỉnh cũng đã xây dựng các dự án bảo vệ đa dạng sinh học và tiến hành khảo sát, thống kê thành phần loài động thực vật cũng như đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước và đề xuất biện pháp BVMT cho các vùng. Nghiên cứu, đánh giá đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật vùng cửa sông ven biển, đề ra các giải pháp quản lý và sử dụng hợp lý, điều tra, khảo sát hiện trạng TN&MT vùng biển ven bờ và đề xuất giải pháp BVMT.
Trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đã xây dựng và đưa vào hoạt động một hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các khu bảo tồn như: Sân chim Vàm Hồ, xã Tân Mỹ (huyện Ba Tri) và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước thuộc hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú).
Bảo vệ môi trường biển
Bên cạnh đó, tỉnh có kế hoạch xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển để kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh, xây dựng bản đồ nhạy cảm vùng bờ để ứng phó sự cố tràn dầu nhằm bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản và bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.
Mô hình trồng rừng ngập mặn xen trên các ao nuôi thủy sản ở vùng ven biển đã được mở rộng.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện hoàn thành và đang triển khai kết quả dự án “Phân vùng chức năng đới bờ tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” trên địa bàn 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, trong phạm vi vùng bờ 6 hải lý. Đây là công cụ quản lý quan trọng để ngành tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển trong thời gian tới.
Đồng thời, đang thực hiện dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bến Tre” nhằm bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên của vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển. Hiện dự án đã thực hiện xong giai đoạn 2 là xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, đang thực hiện giai đoạn cuối là cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch.
Ông Bùi Minh Tuấn cũng cho hay, đối với công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tổn thất do thiên tai và ứng phó BĐKH, nước biển dâng, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành và UBND các huyện ven biển tăng cường công tác quan trắc, kiểm soát môi trường vùng ven biển để theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển.
Song song đó, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình khí hậu, thời tiết, chủ động lập kế hoạch phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo lực lượng, phương tiện, phối hợp sẵn sàng đối phó kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra.
Bài, ảnh: Thanh Bạch - (baodongkhoi.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)