Chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy

Thứ tư, 24 Tháng 6 2020 14:09 (GMT+7)
Theo khảo sát của Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 5.000 phương tiện thủy đang lưu hành trên sông, trong đó, 39% phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm; khoảng 1.000 phương tiện nhỏ, thô sơ dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người không có đăng ký, đăng kiểm để quản lý theo quy định, không đảm bảo an toàn để lưu hành trên sông, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
 
Về nguyên nhân của thực trạng này là do một số trường hợp chủ phương tiện còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, vẫn cho phương tiện lưu hành mặc dù biết là không đảm bảo an toàn. Đáng quan tâm là nhiều ghe, tàu vừa là nhà, vừa là phương tiện để họ mưu sinh.  
 
Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trên sông Cổ Chiên
 
Trước tình hình trên, Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường thủy do phương tiện nhỏ, thô sơ gây ra, đồng thời quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường lực lượng, phương tiện phối hợp với các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, tập trung xử lý hành vi đưa phương tiện có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ dưới 5 sức ngựa hoặc sức chở dưới 5 người (đối với phương tiện nhỏ) vào hoạt động mà không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ an toàn theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, xử lý nghiêm các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở hàng hóa vượt quá vạch mức nước an toàn, quá tải và một số lỗi khác. Đồng thời, thông qua kiểm tra, tuần tra kiểm soát, Cảnh sát giao thông tiếp xúc, vận động, giáo dục người vi phạm, chủ phương tiện cam kết tiến hành đăng ký, đăng kiểm, trang bị đầy đủ tín hiệu, dụng cụ cứu sinh; nắm thông tin, lập danh sách thống kê các phương tiện thô sơ để quản lý theo quy định.
 
Qua 1 tháng thực hiện, Cảnh sát giao thông đã tổ chức tuần tra 26 ca, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 59 trường hợp, phạt tiền hơn 11 triệu đồng, với các lỗi chủ yếu như: không trang bị dụng cụ cứu sinh, không có giấy chứng nhận đăng ký, chở hàng hóa vượt quá vạch dấu mức nước an toàn. 
 
Theo đánh giá của Cảnh sát giao thông, sau khi được kiểm tra, ý thức chấp hành của chủ phương tiện đã được nâng lên; qua những lần tái kiểm tra thì chủ phương tiện đã đăng ký và trang bị các trang thiết bị an toàn. Đồng thời, Cảnh sát giao thông còn tập trung tuyên truyền đến chủ phương tiện, người vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, hậu quả tai nạn, các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa, vận động người đi trên phương tiện thủy mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi, nhất là không sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn lưu hành trên sông. Đa phần chủ phương tiện đều nhận thấy những rủi ro tai nạn và đều có biện pháp phòng tránh.
 
Cảnh sát giao thông tuyên truyền, nhắc nhở trang bị phao cứu sinh, phòng ngừa tai nạn
 
Về giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy, Trung tá Trương Minh Tùng - Đội trưởng đội Cảnh sát đường thủy, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện, phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo phân công, phân cấp quản lý; tập trung xử lý các lỗi là nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy như không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người quy định. Đối với phương tiện nhỏ, thô sơ nếu không đủ điều kiện hoạt động sẽ kiên quyết đình chỉ theo quy định. 
 
Với tình hình thời tiết mưa, bão thất thường, mong rằng người dân hết sức cảnh giác khi tham gia giao thông trên đường thủy, khi có giông lốc thì nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn an toàn. Đối với phương tiện vận chuyển hành khách ngang sông, các chủ bến, người điều khiển phương tiện phải trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, không chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người qui định; hàng hóa sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối đi, làm nghiêng lệch phương tiện. Trước khi cho phương tiện hoạt động, Thuyền trưởng phải thường xuyên nhắc nhở hành khách mặc áo phao, ngồi đúng vị trí quy định. Đối với các phương tiện nhỏ, thô sơ khi tham gia giao thông chủ phương tiện cần lưu ý: Đăng ký phương tiện theo đúng quy định, trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh (áo phao, dụng cụ nổi), chú ý quan sát khi qua sông, cần thắp đèn tín hiệu ban đêm để phòng ngừa tai nạn.
 
Hồ Giang - (travinh.gov.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội