Những ngày này, tại Thanh Hóa cũng như miền Trung nắng nóng như nung người, cuộc sống, sinh hoạt của người dân nhiều nơi bị đảo lộn, nền nhiệt thường dao động ở 40 độ C khiến người dân không ai dám đi ra ngoài nếu không có công việc cần thiết.
Thế nhưng, có một làng nghề ở Thanh Hóa vẫn bất chấp cái nắng nóng gay gắt, người dân ngày ngày vẫn mưu sinh bên những lò lửa rực đỏ lên tới cả 1.000 độ C. Đó là làng nghề rèn truyền thống xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
8 giờ sáng, phóng viên có mặt tại làng rèn Tiến Lộc. Để tìm tới làng nghề này không khó, bởi mới tới đầu xã, một thứ âm thanh quen thuộc là tiếng búa chan chát, tiếng mài, tiếng dập... vang lên liên hồi. Một "bản hợp xướng" đinh tai, nhức óc giữa tiết trời nắng nóng khiến cho những người mới lần đầu tới đây sẽ thấy ngột thở, không chịu được.
Là người có thâm niên hàng chục năm làm nghề rèn cuốc, xẻng, vét... nhập cho khách hàng khắp trong Nam, ngoài Bắc, ông Trịnh Văn Hạnh (ngụ thôn Sơn, xã Tiến Lộc) cho biết, tuổi thơ của ông gắn liền mới những âm thanh chát chúa vang lên từ những chiếc búa đập xuống những thanh sắt đang còn đỏ rực vừa được lấy ra từ lò lửa. Lớn lên, không thoát ly khỏi địa phương, ông lại nối gót cha ông theo cái nghề cơ cực này.
Người dân làm việc tại làng rèn xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa
"Cái nghề này nó khác với những nghề khác, cứ ráo mồ hôi là đói. Ngày nay, nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật mà các công đoạn nặng nhọc đã được máy móc hỗ trợ rất nhiều, thế nhưng chiếc bếp lò đỏ lửa là không thể thay thế được, nên làm việc gần bếp lửa, cứ một lúc là mồ hôi, áo quần ướt đẫm. Với tiết trời nắng nóng tới 40 độ C, những người làm nghề lâu năm như chúng tôi không thể nào chịu được, vì thế để tránh nắng, chúng tôi thường dậy từ 4 giờ sáng làm việc tới khoảng 9-10 giờ thì nghỉ, chiều từ 15 giờ tới 18 giờ tối"- ông Hạnh chia sẻ.
Ông Hoàng Trọng Dần, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết, làng nghề rèn có ở địa phương từ khi nào đến giờ người dân vẫn chưa xác định được, thế nhưng nghề này nhiều năm qua đã mang lại cho người dân có cuộc sống no ấm, ổn định hơn, dù nó rất cơ cực, vất vả. Đặc biệt, trong tiết trời nắng nóng như hiện nay, người dân làm nghề càng thêm khó nhọc, bởi ngoài đối mặt với nắng nóng, họ còn thường xuyên tiếp xúc với những chiếc lò lửa lên tới cả 1.000 độ C.
"Toàn xã hiện có khoảng 2.600 hộ, trong số này có trên 900 hộ theo nghề rèn. Với tiết trời nắng nóng như hiện nay, địa phương cũng khuyến cáo người dân nên sắp xếp thời gian để làm việc cho hợp lý, tránh làm việc trong thời điểm nắng lên đỉnh để đảm bảo sức khỏe"- ông Dần nói.
Những hình ảnh người lao động ở làng rèn Tiến Lộc làm việc bên những chiếc lò lửa trong những ngày xứ Thanh nắng như đổ lửa:
Làm công việc suốt ngày phải ngồi bên bếp lửa nên người dân làng nghề Tiến Lộc rất "dị ứng" với tiết trời nắng nóng
Những chiếc lò lửa được dùng để nung nóng sắt thép sau đó được đập dập thành những sản phẩm như dao, liềm, cuốc, xẻng...
Dù làm bất cứ công đoạn gì, chiếc bếp lửa vẫn không thể thiếu, luôn luôn ở bên người lao động, vì thế nắng nóng khiến người dân làng rèn thêm vất vả
Để hạ nhiệt, quanh những người thợ luôn có 2 cái quạt công nghiệp
Các sản phẩm ở làng rèn Tiến Lộc trước đây thường làm các mặt hàng dao rựa, cuốc, xẻng... nhưng ngày nay rất đa dạng các mặt hàng
Ông Trịnh Văn Hạnh, người có thâm niên hàng chục năm làm cuốc, xẻng, vét... xuất đi khắp nơi trong cả nước
Công việc ở làng nghề rèn rất cơ cực, nặng nhọc
Hình ảnh những người phụ nữ tham gia làm việc ở làng rèn Tiến Lộc
Nghề rèn không biết có từ bao giờ, thế nhưng hiện nay nó là một nghề rất quan trọng, mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho nửa dân số của xã Tiến Lộc
Theo Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, ngoài 746 hộ làm nghề tại địa phương thì xã cũng có hơn 160 hộ mang nghề rèn đi làm ở các địa phương trong cả nước
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)