Hà Nội phải là trung tâm kinh tế Đông Nam Á

Chủ nhật, 28 Tháng 6 2020 12:15 (GMT+7)
TP Hà Nội cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng sản xuất, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước, phấn đấu thu ngân sách 285.000 tỉ đồng trong năm 2020
Ngày 27-6, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề: "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển". Dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và hơn 1.800 đại biểu, trong đó có hơn 1.300 nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
 
Điểm đến an toàn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết trong giai đoạn 2016-2019, kinh tế thủ đô có mức tăng trưởng cao, bình quân 7,3%-7,5%/năm; quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hiện nay đạt 1,06 triệu tỉ đồng, khoảng 45 tỉ USD. GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD, bằng 1,8 lần so với bình quân cả nước.
 
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế TP, giảm sâu trong tháng 4, hồi phục trở lại từ giữa tháng 5 và tăng trưởng mạnh lên trong tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP của TP Hà Nội tăng 3,39%. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với bình quân cả nước và trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,9% cả năm 2020 theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
 
Theo ông Vương Đình Huệ, việc tổ chức hội nghị sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát là thông điệp mạnh mẽ của TP Hà Nội trong việc thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. "Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và hoàn thành 285.000 tỉ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020" - ông Vương Đình Huệ kỳ vọng.
 
Tăng cường xúc tiến đầu tư
Báo cáo kết quả thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2016 đến nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, cho biết TP Hà Nội đã thu hút được 24,8 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ năm 2016 đến tháng 6-2020, có khoảng 125.000 DN thành lập mới với số vốn điều lệ 1,396 triệu tỉ đồng. "Những kết quả đạt được của TP có dấu ấn và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, các nhà đầu tư. Sự đồng hành khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với TP" - ông Chung bày tỏ
 
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng với TP HCM, TP Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số DN trên dân số. Hiện nay, rất nhiều tập đoàn xuyên quốc gia có xu hướng chuyển dịch các cơ quan đại diện từ Singapore, Thái Lan về Việt Nam. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam phát triển đột phá trong thời gian tới.
Hà Nội phải là trung tâm kinh tế Đông Nam Á - Ảnh 1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo TP Hà Nội và các bộ, ngành tham quan triển lãm về các dự án phát triển của TP Hà Nội Ảnh: QUANG HIẾU
Để thực hiện thành công các dự án, tận dụng làn sóng đầu tư mới này, ông Lộc khẳng định hoạt động xúc tiến là quan trọng nhất. "Cùng với việc mời gọi các nhà đầu tư mới, cần phục vụ tốt nhất cho các DN đang ở trong sân và ngoài ngõ nhà mình" - Chủ tịch VCCI nói.ơ
Tương tự, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) Virginia B. Foote cho rằng TP Hà Nội nên tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; nhất là xây dựng hệ thống thuế, kiểm toán tốt hơn. Bên cạnh đó, nên tập trung đầu tư kết hợp với cải tạo, nâng cấp để có nhiều khu công nghiệp hiện đại, có đủ cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần chu đáo.
 
Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, IMF đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á. "Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ bởi chính trị, xã hội ổn định mà còn là môi trường an toàn trong phòng chống dịch bệnh; chính quyền TP sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm" - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng hội nghị lần này cũng là định hướng để thực hiện cụ thể hơn Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
 
Thủ tướng cho rằng với vị thế mới của mình, TP Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam mà phải là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, TP Hà Nội phải đạt là một trong những trung tâm của Đông Á.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, Bí thư Vương Đình Huệ cam kết TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng sản xuất để thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra, TP sẽ tiếp tục chủ động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ hơn nữa để lựa chọn được các nhà đầu tư phù hợp, có công nghệ tiên tiến, các dự án sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam cũng như kết hợp với DN Việt Nam để tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu... 
 
Trao chủ trương đầu tư 229 dự án
Tại hội nghị, TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405.570 tỉ đồng. Trong số này có 100 dự án trong nước (227.499 tỉ đồng), 22 dự án đầu tư FDI với số vốn 5,7 tỉ USD, 107 dự án đầu tư công.
 
Các dự án đầu tư này tập trung vào lĩnh vực cụm công nghiệp, nhà ở xã hội, khu đô thị, du lịch - dịch vụ, trụ sở văn phòng, văn hóa - xã hội, tài chính - ngân hàng, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông...
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội