Việc đầu tư chưa bám sát quy hoạch cấp nước của tỉnh, quy mô đầu tư nhỏ, phân tán, hiệu quả đầu tư thấp, dẫn đến việc một số công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo khai thác, sử dụng tốt đa hiệu quả, tính bền vững chưa cao.
Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 238 công trình cấp nước tại khu vực nông thôn. Trong số này, chỉ có 59 công trình hoạt động có hiệu quả, 73 công trình hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp trầm trọng hoặc ngừng hoạt động, 80 công trình chưa có giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm.
Bên cạnh đó, nhiều công trình cấp nước tập trung nông thôn chưa thực hiện công tác quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong quá trình khai thác. Chỉ có 20 công trình có gắn thiết bị đo lưu lượng nước khai thác để biết tỷ lệ thất thoát nước sau khai thác.
Khoan tìm nước ngầm giải cơn khát trong mùa đại hạn lịch sử 2020 tại Cà Mau.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm được giao quản lý, khai thác 18 công trình cấp nước nông thôn sau đầu tư để kinh doanh nước sạch, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, hoạt động kinh doanh nhưng không hạch toán đầy đủ, chủ yếu lấy thu bù chi, không trích được khấu hao tài sản…
Về phía các địa phương, UBND các xã được giao quản lý, vận hành khai thác 220 công trình cấp nước nông thôn nhưng không bàn giao về tài sản, không tính khấu hao tài sản hàng năm, không có người quản lý chuyên nghiệp, chủ yếu khoán trắng cho cán bộ ấp, khóm.
Thực tế đến nay, các công trình hầu hết giao khoán cho người dân quản lý hoạt động tự cung, tự cấp, không thực hiện các nghĩa vụ về thuế tài nguyên nước. Do đó, khi công trình xuống cấp, địa phương gặp khó khăn về nguồn để đầu tư sửa chữa.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải đánh giá, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước thời gian qua chưa chặt chẽ, chưa ban hành được quy chuẩn kỹ thuật nước sạch sinh hoạt của tỉnh. Các công trình cấp nước của Công ty cổ phần Cấp nước Cà Mau, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tuy có thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng còn mang tính hình thức, không đảm bảo các chỉ tiêu lý, hóa, sinh theo yêu cầu.
Hoạt động kiểm tra đột xuất theo định kỳ về chất lượng nước theo quy định vẫn chưa được quan tâm đúng, mức dù các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước các công trình có công suất 1.000m3/ngày đêm hoặc quy mô dưới 500 hộ dân được phân cấp cho Trung tâm Y tế huyện, thành phố trong tỉnh.
Hệ thống công trình cấp nước tập trung của tỉnh với công suất thiết kế khai thác là 144.000m3/ngày đêm. Hệ thống này có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho 1,1 triệu dân nhưng chưa phát huy hết tác dụng công suất khai thác, do tình trạng giếng khai thác nhỏ, phân tán, tuyến đường ống nối mạng cục bộ trong khu vực, chưa áp dụng khoa học - công nghệ vào khai thác, phân phối nên hoạt động không hiệu quả.
Ông Dương Huỳnh Khải thông tin thêm, đến nay, vùng đô thị phân phối nước sạch sinh hoạt đạt 95% dân số. Tuy nhiên, tại vùng nông thôn, con số này chỉ đạt 18% dân số sử dụng hệ thống cấp nước tập trung.
Theo đó, 74% dân cư nông thôn sử dụng nước từ 137.590 giếng khoan gia đình hiện có. Vấn đề này càng gia tăng, chưa có giải pháp quản lý chặt chẽ và hạn chế việc tự khoan giếng, nhất là tại các khu vực đã có công trình cấp nước tập trung, khiến nguy cơ tầng nước dễ bị xâm nhập mặn và ô nhiễm do nước thải sinh hoạt ngày càng lớn.
Tính riêng cuối năm 2019, vào mùa khô, số hộ không chủ động được nguồn nước, thiếu nước sinh hoạt đã lên đến 18.470 hộ, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo và hộ đặc biệt khó khăn. Trong đợt hạn hán vừa qua, con số này đã lên đến hơn 20.500 hộ dân.
Bên cạnh đó, tại Cà Mau hiện nay còn 14 khu vực không khoan được nước ngầm mà vẫn chưa được cung cấp nước sinh hoạt khiến cho đời sống, sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Cà Mau là một trong những địa phương được dự báo sẽ chịu nhiều tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bên cạnh đó, đời sống sản xuất của người dân phụ thuộc chủ yếu từ nguồn nước mưa và nước từ hệ thống sông rạch tự nhiên.
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích vùng ngọt hóa đang ngày càng bị thu hẹp, nguồn nước bị nhiễm mặn, phèn và ô nhiễm ngày càng tăng nên trong mùa khô thường xuyên thiếu nước cho sản xuất.
Từ năm 2010 - 2019, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng mới 64 công trình cấp nước tập trung, nâng tổng số công trình cấp nước tập trung hiện có là 286 công trình, với tổng công suất khai thác thiết kế khoảng 144.000m3/ngày đêm.
Huỳnh Anh Link - (cand.com.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)