Hiện trường một vụ sạt lở ở Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Nhằm đưa ra các giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, tỉnh Cà Mau đã đề ra kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra, Cà Mau đã ban hành danh mục với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm sẽ ưu tiên triển khai thực hiện. Theo đó, sẽ có 55 nhiệm vụ, dự án ưu tiên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu với nguồn kinh phí trên 19.000 tỷ đồng.
Theo Kế hoạch, tổng nguồn kinh phí trên chủ yếu là nguồn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ và ODA, với trên 18.000 tỷ đồng.
Các dự án, công trình tiêu biểu có thể kể đến: hồ chứa nước ngọt trên đảo Hòn Chuối; xây dựng bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn); xây dựng, nâng cấp đê biển Tây đoạn từ Cái Đôi Vàm-Sông Đốc; xây dựng hệ thống thủy lợi Tiểu vùng XIV và XII-Nam Cà Mau; giai đoạn 2 của Dự án xây dựng kè tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ biển Tây và kè tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ biển Đông; xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Hòn Khoai (đảo Hòn Khoai); điều chỉnh, mở rộng khu neo đậu, tránh trú bão Sông Đốc; khu tránh trú bão cho tàu cá Bồ Đề.
Về nuôi trồng thủy sản, sẽ đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại Tân Duyệt (Đầm Dơi); đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại Khu kinh tế Năm Căn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tập trung tại Phong Điền (huyện Trần Văn Thời); xây dựng hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung tại Tân Dân (Đầm Dơi)…
Trong giai đoạn này, Cà Mau ưu tiên dành 5.000 tỷ đồng xây dựng đê biển Đông; 1.200 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước mưa, nước thải khu vực nội đô trên địa bàn thành phố Cà Mau; 1.500 tỷ đồng xây dựng và phát triển đô thị các huyện, thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu…
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, từ nay đến năm 2030, địa phương sẽ tăng cường quản lý, giám sát với biến đổi khí hậu. Trong đó, sẽ rà soát đánh giá lại mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện có trên địa bàn tỉnh để đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng và giám sát biến đổi khí hậu phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Cà Mau cũng triển khai xây dựng hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn theo công nghệ hiện đại, có độ chính xác cao nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn, phục vụ cho việc dự báo, cảnh báo sớm các điều kiện khí hậu ngày càng cực đoan.
Ngoài ra, tăng cường cung cấp thông tin khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đến các cơ quan, đơn vị sử dụng thông tin khí tượng, thủy văn, biến đổi khí hậu trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng; đồng thời, hướng dẫn tiếp cận thông tin khí hậu và dự báo khí hậu cho người dân nhằm thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21 và Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong số đó, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu như: nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp…
Chỉ tính riêng tại Cà Mau, với 3 mặt giáp biển, có chiều dài bờ biển 254km, những năm qua địa phương bị ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, mất gần 10.000ha đất, rừng ven biển; hạ tầng, tài sản nhà dân ven các tuyến sông bị sạt lở, thiệt hại nghiêm trọng; sản xuất luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro do nước biển dâng…
Cà Mau xác định biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, biến thách thức thành cơ hội đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đưa ra các giải pháp chủ động thích ứng, phòng tránh, giảm phát thải khí nhà kính.
Mục tiêu của Kế hoạch mang tầm nhìn chiến lược và dài hơi lần này là nhằm nâng cao năng lực quản lý, giám sát biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng tiếp cận chủ động, linh hoạt thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh./.
Huỳnh Anh (TTXVN/Vietnam+)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)