Chưa xác định được nguồn lây Covid-19

Thứ năm, 30 Tháng 7 2020 10:45 (GMT+7)
Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tạm ngưng các hoạt động tập trung đông người để phòng ngừa bệnh dịch lây lan
Chỉ riêng trong ngày 29-7, Đà Nẵng ghi nhận thêm 8 ca mắc Covid-19. Hai khoa ghi nhận có ca mắc Covid-19 nhiều nhất ở Bệnh viện Đà Nẵng là Hồi sức tích cực - Chống độc và Nội thận - Tiết niệu.
Cấp tốc lập 2 khu điều trị
Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết trong ngày 29-7, ngành y tế Đà Nẵng đã phối hợp với các cơ quan khác tập trung giải tỏa khu cách ly bên trong Bệnh viện Đà Nẵng. Toàn bộ người nhà chăm bệnh trong bệnh viện này có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 đều đã được chuyển đến các khu cách ly khác trên địa bàn TP. Hiện trong Bệnh viện Đà Nẵng chỉ còn đội ngũ y - bác sĩ (khoảng hơn 2.000 người) cùng hơn 600 bệnh nhân. Bên cạnh đó, các ca bệnh Covid-19 nhẹ cũng được điều chuyển đi các bệnh viện khác. Cụ thể, đến chiều 29-7, số bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng là 9 ca, Bệnh viện Phổi là 14 ca, Bệnh viện C 2 ca. Đà Nẵng cũng chuyển 2 ca mắc Covid-19 ra Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị do địa phương này có đầy đủ năng lực và chưa ghi nhận ca mắc nào.
Chưa xác định được nguồn lây Covid-19 - Ảnh 1.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng tích cực chăm sóc bệnh nhân dù nơi đây đã bị cách ly. (Ảnh do bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp)
Theo bác sĩ Út, hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm Covid-19. Ba đội hỗ trợ về điều trị, giám sát, xét nghiệm từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến Đà Nẵng. Sở Y tế TP Đà Nẵng cùng với Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai thiết kế 2 trung tâm điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phổi và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. "Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C là 2 cơ sở y tế lớn nhất Đà Nẵng hiện nay đã bị phong tỏa, thời gian là 14 ngày và có khi còn lâu dài hơn nên việc giải tỏa tại 2 bệnh viện này là cần thiết. Chúng tôi đang gấp rút thực hiện 2 trung tâm điều trị nói trên để có thể chuyển tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 đến đó điều trị" - ông Út nói.
Sở Y tế TP Đà Nẵng cho hay tính đến chiều 29-7, toàn TP đã xác định được 6.665 đối tượng F1 và 1.178 đối tượng F2 liên quan đến các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2; cách ly 3.127 trường hợp tại khu cách ly tập trung, trung tâm y tế quận - huyện, tại nơi lưu trú, tại nhà. Tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện từ 25 đến chiều 29-7 là 3.556 mẫu, trong đó có 27 mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
 
Truy vết người tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19
Hôm qua, UBND tỉnh Đắk Lắk triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống dịch từ 0 giờ ngày 30-7. Trong đó khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc. UBND tỉnh Đắk Lắk đưa vào hoạt động 2 cơ sở cách ly tập trung. Cơ sở thứ nhất dành cho đội ngũ y - bác sĩ tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh. Cơ sở thứ 2 cho các đối tượng phải thực hiện cách ly tại Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên với khoảng 300 giường bệnh.
 
Ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết bệnh viện đã phong tỏa Khoa Truyền nhiễm, cách ly khoảng 70 người vì liên quan ca bệnh nhiễm Covid-19 về từ Đà Nẵng. Những người cách ly gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng của Khoa Truyền nhiễm, 11 sinh viên, 37 bệnh nhân và một số người nhà bệnh nhân.
Cùng ngày, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam, đã chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hội An và các sở, ngành liên quan để kiểm tra, nắm bắt tình hình về việc triển khai các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn. Tỉnh Quảng Nam còn 545 mẫu xét nghiệm chưa có kết quả, cách ly 3.377 người.
 
Hiện nay, Hội An cách ly tập trung 22 trường hợp, trong đó 10 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Lực lượng chức năng của thành phố cũng đang tích cực điều tra, xác minh 15 trường hợp F1 có tiếp xúc gần với bệnh nhân 428, 429 đang điều trị tại TP Đà Nẵng; đồng thời theo dõi, cách ly tại nhà 254 trường hợp F2 liên quan đến Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có công điện khẩn, từ 0 giờ ngày 30-7 tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, rạp chiếu phim; dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao đông người, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết cho đến khi có thông báo mới. Đề nghị các cơ sở tôn giáo không tổ chức các nghi lễ, lễ hội tụ tập đông người.
 
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 29-7, lực lượng chức năng đã truy vết được 170 trường hợp F1 liên quan đến các ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, dựa vào lịch sử di chuyển phức tạp của bệnh nhân này và tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng, ngành y tế nhận định vẫn còn rất nhiều trường hợp liên quan đến các ca mắc Covid-19 chưa tự giác đi khai báo y tế và cách ly theo quy định. Số người bệnh nhân 419 từng tiếp xúc gần khá đông nên ngành y tế đang tích cực phối hợp với công an đến từng nhà vận động, khai thác thông tin và yêu cầu tổ chức cách ly. 
 
Tiếp sức cùng Đà Nẵng
Ông Nguyễn Duy Thành, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn Đà Nẵng, cho biết sau khi Thành đoàn TP Đà Nẵng phát đi lời kêu gọi, đã có 2.800 thanh niên tham gia đội hình ứng phó dịch bệnh, 2.670 thanh niên tham gia tình nguyện hiến máu khi cần.
Anh Bùi Thiên Vỹ, Bí thư Đoàn khối các cơ quan thành phố, cho biết trong đợt 1 của chương trình "Tiếp sức tuyến đầu - Chung tay cùng Đà Nẵng vượt qua dịch Covid-19" đã trích quỹ từ nguồn vận động của đoàn khối các cơ quan trao cho Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng 150 thùng nước đóng chai, 100 thùng sữa tươi, 100.000 khẩu trang y tế, 200 lít dung dịch sát khuẩn, 50 thùng bột ngũ cốc, 50 thùng bánh gạo, 500 tuýp Beroca...
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội