Từ đam mê…
Khoảng 3 năm trở lại đây, phong trào chơi lan rừng giả hạc (phi điệp) cả nước phát triển khá sôi động. Thế nhưng, xuất phát từ những cuộc giao dịch lan rừng “đột biến” 5 cánh trắng Tiên Sa, rồi 5 cánh trắng Bảo Duy, có giá trị tiền tỷ ở khu vực miền Bắc, miền Trung đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Từ đó, cây lan giả hạc 5 cánh trắng (giới chơi lan gọi là hàng Var) trở nên “sốt ảo” so với loài hoa lan khác. Nhiều người chơi lan rừng giả hạc đã bị mê hoặc bởi cái đẹp thuần khiết của loài hoa đỏng đảnh này.
Để sở hữu được loài hoa giả hạc 5 cánh trắng “đột biến”, giới chơi lan lao vào cuộc săn tìm ráo riết tại các nơi vùng cao. Có người không ngại băng rừng vượt núi hiểm trở để lùng sụt trên vách đá, ngọn cây cổ thụ, tìm cho bằng được loài hoa hoang dại này. Thậm chí, có những nhà vườn trồng lan chi vài chục đến vài trăm triệu đồng để mua gom hàng tấn lan phi điệp rừng “sổ” tìm hoa “đột biến”. Nhưng rồi, sau những lần cực công như vậy, họ đều thất bại…
Đây là hoa giả hạc có giá trị vài trăm ngàn đồng/giò, bông vẫn đẹp, vừa túi tiền người chơi
Theo những nhà vườn trồng lan, trong vô số hàng vạn cây thì hiếm lắm mới có 1 cây lan giả hạc “đột biến”. Nói là “đột biến”, nhưng thực chất cây lan giả hạc sở hữu một số đặc điểm: thân lá màu xanh sạch, 5 cánh hoa trắng, mũi hoa màu trắng tinh khiết, mắt hoa phân thùy rõ rệt. “Từ trước đến nay, chưa có nhà nghiên cứu sinh học nào định nghĩa cụ thể về lan giả hạc “đột biến”. Trong quá trình chơi lan, người ra tự đưa ra tiêu chí lan giả hạc “đột biến”, rồi truyền miệng với nhau dẫn đến sốt giá ảo…” - một nhà vườn trồng lan khẳng định.
Trở thành “cơn sốt” ảo
Trồng lan rừng giả hạc được xem là thú chơi tao nhã, thuần khiết. Thế nhưng, chỉ từ những cuộc giao dịch “ảo” mà cây lan phi điệp được giới chơi lan thổi phồng với giá “trên trời”. Từ đó, dấy lên sự hoài nghi về giá trị thực của loài lan này. Thử lướt các trang mạng xã hội như: facebook, zalo, youtube, tiktok, hàng loạt kênh rao bán lan rừng phi điệp rất sôi nổi. Rồi những cuộc giao dịch lan rừng phi điệp đột biến công khai, với giá hàng chục tỷ đồng trên youtube “ầm ầm” không kém.
Trước đó, giò phong lan phi điệp “đột biến” mang tên “người đẹp Bình Dương” có giá gần 10 tỷ đồng. Còn thương vụ bán 1kie “huyền thoại bướm đại ngàn” (mầm con phát triển từ mắt của cây lan mẹ), với giá 15 tỷ đồng và khủng khiếp hơn nữa là hình ảnh chậu lan Juliet đột biến cao gần 30cm được “thổi giá” 83 tỷ đồng.
Mới đây, trong tháng 7, trên một kênh youtube xuất hiện một clip có tên là “Người đồng bào” cũng giao dịch 1kie giả hạc 5 cánh trắng Hoàng Kim (cao khoảng 10cm) với giá “khủng” là 2,5 tỷ đồng, thật sự khó tin.
Còn rất nhiều kênh hoa lan rừng khác cũng rao bán ngày đêm trên mạng xã hội, với giá “cắt cổ”. Chưa kể, có vô số trường hợp livestream bán lan rừng… rồi nói xấu, chửi bới, văng tục “ỏm tỏi” trên mạng xã hội.
Những mặt bông giả hạc được cho là “đột biến” bị đẩy giá ảo từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng
Theo một số chủ vườn lan làm ăn chân chính ở An Giang, thường những thương vụ giao dịch lan giả hạc “đột biến” bạc tỷ là tự người trồng lan đẩy “giá ảo” để trao đổi giống lan với nhau hoặc tự tâng bốc, đánh bóng tên tuổi chính mình đang sở hữu một giò lan quý có giá “khủng”. Từ trước đến nay, chưa có một tiêu chí, hay quy định cụ thể về giá trị thật cây lan giả hạc “đột biến” từ ngành chức năng hay các nhà chuyên môn.
Nếu 3 năm trước, người chơi lan phi điệp chủ yếu đầu tư mua hàng ký về trồng thì hiện nay họ chuyển sang đầu tư loại lan phi điệp “đột biến” một cách rầm rộ. Gần đây, phong trào chơi lan phi điệp “đột biến” ở An Giang cũng nhen nhóm, nở rộ. Không dừng lại ở đó, họ còn “tự phát” thành lập các câu lạc bộ lan rừng, rất sôi động.
Những người tham gia vào các câu lạc bộ chủ yếu để giao lưu, trao đổi lan phi điệp với nhau. Không ít trường hợp lợi dụng vào câu lạc bộ lan rừng để làm quen nhiều khách hàng, giới thiệu bán mặt hàng này với giá cao kiếm lời. Nếu trước đây, lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ bị những người chơi lan trong nước “thổi giá” từ 2,5-3 triệu đồng/kie (2cm) thì không ít người “mua đi bán lại” tiếp tục đẩy lên 5-7 triệu đồng/ki.
Còn lan phi điệp 5 cánh trắng Hiển Oanh cũng được nhóm người này đẩy giá tăng gấp đôi từ 10-15 triệu đồng/kie. Nếu tính bình quân mỗi chậu lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ hay Hiển Oanh, có giá vài chục đến vài trăm triệu đồng. Chưa hết, nhiều người mới tập tành chơi lan, không nắm vững kỹ thuật chăm sóc lan đã “chi quá tay”, mua những giò lan “đột biến” qua mạng xã hội về trồng, với giá rất cao. Sau đó, giò lan bỗng dưng bị thối từ thân đến gốc mà chưa rõ nguyên nhân, nên họ mất trắng vài chục triệu đồng…
Dẫu biết, thú chơi lan là lành mạnh, nho nhã. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khăn, chưa có sự thẩm định giá trị thật về loài hoa phi điệp, đòi hỏi người chơi lan “đột biến” hết sức sáng suốt trước khi đầu tư tiền tỷ theo phong trào, rồi mất tiền oan uổng!
HOÀNG MỸ - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)