Khả năng nước thượng nguồn về ít
TP Cần Thơ xây dựng và củng cố các công trình bơm tát, tiêu thoát và trữ nước phục vụ sản xuất khi cần thiết.
Số liệu quan trắc mực nước của Ủy hội sông Mê Công, mực nước thượng nguồn sông Mekong đang ở mức thấp trong các ngày qua (17, 18 và 19-8-2020). Tại trạm Stung Treng (Campuchia) mực nước dao động 5,82m, chỉ cao hơn năm 2019 là 0,5m; tại trạm Kratie (Campuchia) là 14,11m, cao hơn năm 2019 là 1,59m. Nếu so với 2 năm xảy ra hạn, mặn gay gắt ở ĐBSCL (2016 và 2019) thì mực nước sông Mekong ở hai trạm này hiện chỉ cao hơn năm 2019 chút ít và vẫn còn thấp hơn thời điểm cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, ở hạ nguồn sông Mekong, tại trạm Tân Châu (sông Tiền), mực nước dao động 1,55m, cao hơn thời điểm năm ngoái là 0,83m và xấp xỉ thời điểm năm 2016 (1,61m). Còn tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) là 1,57m, cao hơn năm 2016 0,08m.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho biết: qua theo dõi mực nước sông Mekong đầu tháng 8-2020 đến nay, mực nước sông Mekong có dâng lên chút ít nhưng cũng chỉ ở mức tương đương với năm 2019 - năm thấp nhất lịch sử. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh nhận định: “Qua các số liệu thực tế trên thì điều kiện cần của một năm không có lũ đã thể hiện rõ qua 2 trạm đo nêu trên. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm việc có mưa bão bất thường sẽ tác động đến mùa lũ về ĐBSCL ít hay nhiều. Điều này đã từng xảy ra vào năm 2018 khi có mưa to liên tục ở thượng nguồn sông Mekong thì nước tăng lên nhanh và xuất hiện lũ về ĐBSCL nhiều hơn. Nếu từ nay đến tháng 10-2020, thời tiết không có mưa nhiều ở lưu vực Mekong thì chắc chắn mùa khô năm 2021, miền Tây sẽ phải tiếp tục đối diện với hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra...”.
Theo kinh nghiệm của người dân đã bước vào tháng 7 âm lịch, nhưng mực nước dưới sông, rạch vẫn ở mức thấp. Điều này có nghĩa mùa lũ năm 2020 sẽ về muộn và thấp hơn nhiều so với các năm trước. Ông Võ Văn Út, ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Theo kinh nghiệm dân gian “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, nhưng năm nay có tháng nhuận và đã bước vào tháng bảy âm lịch mà nước dưới sông vẫn thấp, thậm chí trong những ngày qua (giữa tháng 8-2020) ao nuôi cá của gia đình tôi vẫn không có nước ra vào; mưa cũng ít xuất trong những ngày gần đây. Với tình hình này, theo kinh nghiệm của tôi, nước thượng nguồn sẽ đổ về TP Cần Thơ và ĐBSCL muộn và thấp hơn những năm trước. Tình trạng bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, nuôi trồng thủy sản sẽ gặp khó khăn trong mùa nước nổi 2020”.
Ứng phó lũ về muộn
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, mùa lũ ở ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa ở phía thượng nguồn trong lưu vực sông Mekong, trong đó đặc biệt là lượng mưa ở phía tả ngạn con sông này, phần thuộc Lào… Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh: “Có 2 vùng mưa quan trọng mà chúng ta cần theo dõi đó là mưa ở vùng Vientiane và mưa ở phía Nam ở Paksé của Lào. Khi hai vùng này xuất hiện mưa nhiều thì chắc chắn ĐBSCL sẽ có nước lũ về nhiều và dâng cao”.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các số liệu thực tế đến thời điểm này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm, lũ năm nay sẽ về muộn so với trung bình nhiều năm, khả năng trong tháng 8-2020, nước lũ vẫn chưa về.
Từ tháng 9 đến tháng 10, 11-2020, nước lũ, nước thượng nguồn đổ về ĐBSCL sẽ đổ về, nhưng còn phụ thuộc vào tình hình có xảy ra hiện tượng La Nina hay không. Bởi lượng mưa ở lưu vực Mekong phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Năm nào có hiện tượng El Nino thì mưa ít, gây hạn; năm nào có hiện tượng La Nina xuất hiện thì mưa nhiều, nước lũ về nhiều. Hiện nay, lưu vực Mekong đang trong tình trạng ENSO trung tính, tức là không có hiện tượng El Nino cũng không có La Nina. Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tiếp tục theo dõi và hy vọng hiện tượng La Nina xuất hiện trong những tháng sắp tới.
Các chuyên gia nói, nếu lũ về muộn và thấp người dân ở đầu nguồn vùng ĐBSCL, như: An Giang, Đồng Tháp, một phần TP Cần Thơ… sẽ bị ảnh hưởng về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt với những hộ nuôi thủy sản đang chuẩn bị con giống trong ao để chờ nước lũ thả nuôi trên đồng. Các chuyên gia khuyến cáo, với tình hình lũ về muộn và chưa biết rõ lũ sẽ cao hay thấp thì bà con nên cẩn thận, tránh đầu tư vào con giống quá nhiều cho năm nay. Bên cạnh đó, nếu lũ thấp thì sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó khăn khi phù sa về ít, đồng ruộng không được rửa sạch mầm bệnh, chuột và dịch hại xuất hiện nhiều, gây hại và làm tăng chi phí sản xuất lúa.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ, năm nào lũ về thấp, sang mùa khô tình trạng hạn, mặn sẽ gay gắt. Do đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần tiếp tục quan sát, nếu đến giữa tháng 10 mà nước lũ vẫn thấp thì chúng ta phải tích cực đề phòng hạn mặn sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 3-2021 ở các tỉnh ven biển. Công tác thủy lợi, dẫn và tích trữ nước cũng cần được quan tâm thực hiện.
TP Cần Thơ, những năm gần đây, công tác phòng tránh khô hạn, thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã đã nạo vét hàng trăm tuyến kênh mương cấp nước, trữ nước nội đồng, với tổng khối lượng thực hiện gần 7.000m3; nạo vét kênh rạch cấp 2, 3 nhằm khai thông dòng chảy kết hợp nâng cấp, sửa chữa, gia cố đê bao, đường giao thông nông thôn với khối lượng thực hiện 62.338m3… Các công trình trên góp phần tiêu thoát và dự trữ nước khi cần thiết.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhận định: “Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng Hoa Kỳ, đến tháng 9-2020 lưu vực sông Mekong có khả năng (khoảng 55%) xuất hiện hiện tượng La Nina, khi đó có thể có mưa nhiều. Đồng thời sau Tết Nguyên đán sắp tới (đầu năm 2021) hạn mặn xuất hiện ở ĐBSCL, nhưng dự báo không gay gắt như mùa khô 2020 vừa qua”.
HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)