Buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 2 (Chủ đầu tư), Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng.
Lực lượng chức năng đo đạc và kiểm đếm diện tích rừng và số cây bị chặt phá. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN
Tại cuộc họp trên, đại diện phía Ban Quản lý Dự án 2 cho rằng, theo quy định của Luật Xây dựng, tình huống khẩn cấp có thể vừa thi công vừa hoàn chỉnh hồ sơ. Ban Quản lý Dự án 2 đã làm thủ tục xin ý kiến về chuyển mục đích sử dụng rừng, do đó, đơn vị thi công cho là đã có phương án trồng rừng thay thế có thể thi công được. Hiện, Ban quản lý Dự án 2 đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục chuyển đổi đất rừng và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện thủ tục tận thu cây rừng theo quy định.
Hạt kiểm lâm thị xã Vĩnh Châu đã thông tin, về việc thực hiện trình tự thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng hiện nay đã có Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh Sóc Trăng bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất mức vốn bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2020 và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Hiện, Ban Quản lý Dự án 2 chưa nộp tiền trồng rừng thay thế và UBND tỉnh chưa có Quyết định cho phép Ban Quản lý Dự án 2 chuyển mục đích sử dụng 18,5 hecta rừng phòng hộ sang mục đích khác theo điều 23 Luật Lâm nghiệp năm 2017; đồng thời, chưa có Quyết định thu hồi đất để giao cho Ban Quản lý Dự án 2 thi công công trình nâng cấp đê biển. Như vậy, theo quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, Ban Quản lý Dự án 2 vi phạm tại Điều 12 - vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng.
Giám đốc công ty cổ phần xây dựng công trình Hồng Lâm Trần Tiến Mạnh cho rằng, đơn vị này đang thực hiện nhiệm vụ thi công các vị trí xung yếu tuyến đê mất đai rừng, những đoạn có đai rừng phòng hộ còn mỏng theo chủ trương của Quyết định số 2697/QĐ-UBND tỉnh Sóc Trăng, ký ngày 17/9/2019 về việc công bố tình huống khẩn cấp khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm đoạn từ giáp ranh Bạc Liêu đến cống số 4 thuộc xã Lai Hòa và xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Đại diện của công ty cổ phần xây dựng công trình Hồng Lâm cho biết, trong buổi kiểm tra tiến độ thi công các vị trí sạt lở xung yếu mới đây vào ngày 11/8, lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng đã đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản người dân cũng như các hạng mục hạ tầng trong tuyến đê; đặc biệt đoạn từ cống số 2 đến ranh Bạc Liêu.
Đại diện phía công ty cổ phần xây dựng công trình Hồng Lâm cũng cho rằng, đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương của chủ đầu tư và chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, không tự ý chặt phá cây rừng như biên bản Hạt kiểm lâm Vĩnh Châu đã lập và báo chí đã nêu.
Liên quan đến vấn đề chặt hạ rừng của công ty cổ phần xây dựng công trình Hồng Lâm trong quá trình thi công, chiều 27/8, phóng viên TTXVN đã có liên hệ với lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng và trong buổi khảo sát, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm bàn các phương án kỹ lưỡng, với mục tiêu là để đẩy nhanh dự án, giải ngân kịp tiến độ. Phần nào có dính đến đất rừng phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, chứ không có chỉ đạo cho phá rừng.
Trong ngày 26/8, phóng viên đã thông tin về vụ gần 5 nghìn mét vuông rừng phòng hộ ven biển tại ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã bị chặt hạ. Từ nguồn tin báo của nhân dân xã Lai Hòa, Hạt Kiểm lâm thị xã Vĩnh Châu phối hợp với Đồn Biên phòng Lai Hòa và Tổ bảo vệ rừng xã Lai Hòa tiến hành kiểm tra và phát hiện công ty cổ phần xây dựng công trình Hồng Lâm đã khai thác rừng phòng hộ ven biển trái pháp luật trên địa bàn xã Lai Hòa với tổng diện tích 4.900 mét vuông (dài 490 mét, rộng 10 mét).
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Hạt Kiểm lâm thị xã Vĩnh Châu phối hợp với Đồn Biên phòng Lai Hòa đã lập biên bản và đình chỉ việc thi công đối với công ty cổ phần xây dựng công trình Hồng Lâm; đồng thời, tạm giữ số cây đước mà công ty này đã chặt đốn.
Theo ông Nguyễn Hữu Sơn-Hạt Phó Hạt Kiểm lâm thị xã Vĩnh Châu, khi thi công các công trình có tác động đến rừng phòng hộ, phía công ty cổ phần xây dựng công trình Hồng Lâm phải có giấy tờ đầy đủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng mới được phép thi công. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm lập biên bản, công ty Hồng Lâm đã không có đủ những giấy tờ theo quy định.
Dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu, có chiều dài trên 33km với tổng mức đầu tư trên 263 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương trên 220 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 43 tỷ đồng). Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2018 - 2020. Trong đó, Ban Quản lý Dự án 2 làm chủ đầu tư xây dựng công trình gia cố đoạn sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm từ cống số 2 đến số 4 (thuộc xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu).
TTXVN/Báo Tin tức
T/h: Nhi - (dongbang.vn)