Xây dựng TP Bạc Liêu trở thành đô thị loại I vào năm 2025

Thứ sáu, 11 Tháng 9 2020 14:01 (GMT+7)
Để TP Bạc Liêu trở thành đô thị loại I vào năm 2025, trước mắt cần phải tập trung công tác quản lý đầu tư, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.
 
Ông Lê Chí Nhân, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Bạc Liêu chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Trọng Linh.
Ông Lê Chí Nhân, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Bạc Liêu chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Trọng Linh.
 
Ông Lê Chí Nhân, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) cho biết: Từ khi trở thành đô thị trực thuộc tỉnh và được công nhận là đô thị loại II, đô thị Bạc Liêu tiếp tục được đầu tư nâng cấp và chỉnh trang theo hướng xanh - sạch - đẹp.Hiện nay, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, các công trình kiến trúc hiện đại và đặc trưng của TP Bạc Liêu đã được đầu tư nâng cấp và đưa vào khai thác sử dụng. Nhờ đó, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị của TP Bạc Liêu, tạo dấu ấn với du khách mỗi khi tham quan du lịch về nơi đây.
 
Bên cạnh đó, không gian đô thị trung tâm TP Bạc Liêu đã được mở rộng. Hệ thống cây xanh, chiếu sáng công cộng được tăng cường. Công tác thu gom, xử lý rác dần đi vào nề nếp, hệ thống thoát nước thải được đầu tư, cải tạo. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên.
 
Các tuyến đường kiểu mẫu được hình thành, hẻm nội ô, vỉa hè, tiếp tục được nâng cấp, chỉnh trang. Trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để trở thành đô thị văn minh, đô thị loại I vào năm 2025 cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi nguồn lực, học hỏi các mô hình quản lý đô thị phù hợp.
 
Trung tâm quảng trường Hùng Vương TP Bạc Liêu về đêm. Ảnh: Phan Thanh Cường.
Trung tâm quảng trường Hùng Vương TP Bạc Liêu về đêm. Ảnh: Phan Thanh Cường.
 
Hiện nay, qua rà soát đối với tiêu chí xét đạt đô thị loại I, TP Bạc Liêu có 12/13 chỉ tiêu chưa đạt. Trong 12 chỉ tiêu trên, chỉ có 3 chỉ tiêu có thể khắc phục trong thời gian ngắn hạn. Một số tiêu chí còn lại muốn khắc phục cần có nhiều thời gian, nguồn vốn đầu tư lớn để thực hiện.
 
Để đưa TP Bạc Liêu đạt tiêu chuẩn đô thị loại I vào năm 2025, trước mắt thành phố cần phải tập trung xác định công tác quản lý đầu tư, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó, cần tập trung những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau.
 
Một là, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung đô thị cho phù hợp với tình hình mới của thành phố với trọng tâm đưa TP Bạc Liêu đạt tiêu chí đô thị loại I. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Lập chương trình phát triển đô thị và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc mời gọi đầu tư cho các dự án, khu đô thị mới.
 
Hai là, xác định vị trí, tính chất đô thị Bạc Liêu là đô thị cấp vùng, từ đó cần tập trung mở rộng không gian đô thị hiện hữu. Điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố, hình thành các trung tâm đô thị chuyên ngành. Phấn đấu đến năm 2030 TP Bạc Liêu sẽ cơ bản hình thành 5 khu đô thị với tổng diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 4.950 ha.
 
Thanh phố Bạc Liêu sẽ phấn đầu trở thành đô thị loại I vào năm 2025. Ảnh: Phan Thanh Cường.
Thanh phố Bạc Liêu sẽ phấn đầu trở thành đô thị loại I vào năm 2025. Ảnh: Phan Thanh Cường.
 
Ba là, hoàn thành quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2025 của TP Bạc Liêu. Trong đó, đề xuất ưu tiên đầu tư phát triển đô thị, hệ thống hạ tầng khung, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng tính kết nối hệ thống đô thị.
 
Bốn là, phối hợp với các ngành đề xuất UBND tỉnh tranh thủ Trung ương sớm triển khai thực hiện các dự án quan trọng của vùng ĐBSCL như cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu. Đây là các dự án tạo động lực lớn cho TP Bạc Liêu phát triển mạnh mẽ và bền vững.
 
Năm là, tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chỉnh trang và mở rộng không gian đô thị TP Bạc Liêu. Kết hợp huy động nguồn lực từ chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, các nguồn vốn hỗ trợ ODA, nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn ngân sách thành phố.
 
Sáu là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao, kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh. Qua đó, tạo sự hấp dẫn cho đô thị, thu hút chuyên gia và người lao động đến làm việc, góp phần cải thiện các chỉ tiêu về dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội của thành phố.
 
TRỌNG LINH - (nongnghiep.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội