Thành phố thông minh phải là thành phố văn minh

Thứ bảy, 12 Tháng 9 2020 08:13 (GMT+7)
Xây dựng một thành phố thông minh phải bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố hết sức quan trọng là xây dựng thành phố văn minh. Đây là một vấn đề lớn, đòi hỏi nỗ lực dài lâu
TP HCM đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh (TP) và trên thực tế đã thực hiện nhiều nội dung mang tính bước đầu, có ý nghĩa tiền đề. Theo đó, TP thông minh là một TP có nhiều tiện lợi, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào trong tổ chức, quản lý và phục vụ nhân dân. TP thông minh trong điều kiện của TP HCM phải thực sự là một TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đặc biệt, yếu tố văn minh cần phải được đề cao đúng mức.
 
Tư duy quản lý thông minh là yêu cầu cấp thiết
 
Cụ thể, trong tổ chức đô thị, vấn đề quy hoạch phải bảo đảm khoa học, hợp lý, có tính dự báo cao, tạo ra sự tiện lợi cho tất cả các nhóm dân cư. Chẳng hạn, phải kết hợp hài hòa giữa các yếu tố: hiện đại, truyền thống trong kiến trúc và thân thiện môi trường; bảo tồn các di tích kiến trúc có giá trị… Vấn đề nhà ở, mật độ cư trú của người dân ở khu vực trung tâm hay ở vùng ven đều không quá dày, diện tích nhà ở đầu người không quá chênh lệch, được thụ hưởng các tiện ích không quá cách biệt và có thể duy trì điều đó khi TP ngày càng phát triển, mở rộng. Vấn đề giao thông, phải hạn chế tối đa việc quá tải giao thông khi tăng dân số, không để xảy ra tình trạng nỗ lực giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực này thì phát sinh ở khu vực khác, khắc phục tai nạn giao thông…
 
Như vậy, ở TP thông minh không thể có các mảnh ghép lụn vụn, chắp vá mà phải là những mảnh ghép hoàn hảo, có tính hợp lý cao; không phải là sự "nở nồi" vô tội vạ rồi sau đó loay hoay khắc phục, sửa chữa.
Thành phố thông minh phải là thành phố văn minh - Ảnh 1.
Thành phố thông minh thì phải văn minh, an toàn, có chất lượng sống tốt Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Trong quản lý đô thị, TP được quản lý bằng phương tiện tiên tiến và tư duy hiện đại. Chẳng hạn, về quản lý nhân khẩu, chỉ cần vài thao tác đơn giản (như nhập mã định danh của cá nhân thông qua các ký tự, dấu vân tay…), cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác định được những thông tin cơ bản về một cá nhân và các vấn đề cần quan tâm, để phục vụ trong việc tuyển dụng, quản lý lao động, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an ninh trật tự… Hay trong quản lý môi trường, cơ sở dữ liệu liên tục cập nhật tình hình chất lượng không khí, nguồn nước sinh hoạt, nước thải, tiếng ồn… các khu vực trong TP, để từ đó có biện pháp điều chỉnh phù hợp, cả ngắn hạn và dài hạn. Hoặc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, mỗi người có yêu cầu đều có thể biết được hồ sơ của mình đang ở đâu, do ai/bộ phận nào xử lý, có thiếu sót gì không, bao lâu sẽ hoàn thành…, để từ đó chủ động trong công việc và sinh hoạt.
 
Quản lý thông minh đòi hỏi sự liên thông trong toàn bộ cơ sở dữ liệu, từ nhân khẩu đến tình hình đất đai, nhà ở, môi trường, giao thông…; tùy từng lĩnh vực và từng yêu cầu quản lý mà người quản lý có thể tiếp cận được dữ liệu phù hợp, để tránh rò rỉ thông tin hoặc có hiện tượng sử dụng thông tin cá nhân sai mục đích. Do đó, đòi hỏi một tư duy quản lý thông minh của đội ngũ cán bộ công chức cũng là yêu cầu cấp thiết.
 
Giữ giá trị cốt lõi của đô thị TP HCM
 
Xây dựng TP thông minh không thể không quan tâm xây dựng con người đô thị bởi điều kiện sống ở đô thị có nhiều điểm khác xa với các khu vực khác. Chẳng hạn, ở đô thị, vấn đề vệ sinh môi trường, giao thông, ứng xử, sinh hoạt… đều có những chuẩn mực (hay đòi hỏi) khác, thường cao hơn, phức tạp hơn. Một người chạy xe bên trái ở đường nông thôn có thể không gây ra ảnh hưởng gì lớn nhưng ở đô thị có thể gây ra ùn tắc, tai nạn, phiền toái cho nhiều người khác… Do đó, con người đô thị phải có kiến thức, nhận thức và hành vi ứng xử phù hợp trong điều kiện sống ở đô thị. Trong chừng mực nào đó, con người đô thị có nhiều tiện ích (như đi lại, giải trí, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…) thì cũng phải có nghĩa vụ phù hợp và phải chấp nhận mức chế tài cao hơn nếu vi phạm. Nói cách khác, trách nhiệm, nghĩa vụ cần được thể hiện một cách tương ứng với quyền lợi được thụ hưởng từ đô thị và đô thị thông minh. Để làm được điều này cần kết hợp giáo dục, tuyên truyền và xử lý vi phạm hành chính một cách hợp lý.
 
Giá trị cốt lõi của đô thị TP HCM là một hệ thống các chuẩn mực tạo nên nét đặc sắc, đặc trưng của TP mang tên Bác, như là TP văn minh, an toàn, thân thiện, có chất lượng sống tốt, hiện đại kết hợp truyền thống, hội nhập nhưng vẫn giữ được nét nghĩa tình vốn có… Nếu thiếu những yếu tố đó thì thật khó có thể coi là một đô thị văn minh, hiện đại hay thông minh, bởi chẳng thể là đô thị thông minh nếu giá trị mà nó hướng tới không nhằm nâng cao chất lượng sống mọi mặt, hoặc ít nhất cũng phải ở những khía cạnh cơ bản, cho người dân. Giá trị cốt lõi đó sẽ là cơ sở phân biệt TP HCM với các TP khác, dù có thể có nền tảng văn minh, hiện đại như nhau.
 
Dĩ nhiên, giá trị cốt lõi của TP HCM không phải là bất biến mà có sự thay đổi theo thời gian nhưng vẫn bảo đảm các chuẩn chất nhất định. Giá trị đó vừa mang yếu tố tự nhiên, xã hội, lịch sử, được hun đúc qua nhiều đời và được các thế hệ người dân TP hiện nay kế thừa, phát huy nhưng chính nó cũng sẽ được người dân hiện tại bồi đắp, làm đậm thêm và tích lũy thêm những yếu tố mới phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
 
Tóm lại, xây dựng một đô thị thông minh phải bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố hết sức quan trọng là xây dựng TP văn minh. Bởi sẽ chẳng thể có một đô thị được quản lý bằng các thiết bị thông minh mà trong tổ chức, điều hành, quy hoạch lại có quá nhiều "lỗi", lại không được sự đồng thuận và tham gia thực hiện của toàn bộ người dân và lại tạo ra một TP khác xa với những đặc trưng vốn có. Do đó, đây là một vấn đề lớn, đòi hỏi nỗ lực dài lâu của hệ thống chính trị, bộ máy quản lý và tất cả mọi người dân TP.
 
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
 
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 kéo dài đến ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: "Đô thị thông minh", "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM", "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM".
 
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà); hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
 
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2, gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.
 
Nguyễn Minh Hải - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội