Đề xuất xây dựng Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch

Chủ nhật, 20 Tháng 9 2020 20:33 (GMT+7)
Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch”
Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE) vừa gửi công văn đến lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đề xuất "Giải pháp tổng thể" cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Hứa hẹn hồi sinh dòng sông
 
Đại diện Công ty JVE cho rằng sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông "chết" với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt các cơ quan chuyên môn đưa ra nhiều giải pháp để xử lý.
 
Theo các chuyên gia Nhật Bản, để có thể làm hồi sinh sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần có giải pháp tổng thể, giải quyết toàn bộ các vấn đề như: thu gom nước thải; cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom; xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; xử lý tầng bùn đáy, nước bị ô nhiễm trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão; bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; phát triển du lịch... Vì vậy, công ty này cùng đối tác của Nhật Bản đã xây dựng đề án "Giải pháp tổng thể" để cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch trở thành "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch" sử dụng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung cho rằng đây là một ý tưởng hay, bởi sông Tô Lịch gắn liền với lịch sử hàng ngàn năm, nếu khôi phục được thì sẽ làm sống lại cảnh quan đô thị, thêm sức sống và là điểm nhấn văn hóa, gắn với lịch sử. Ý tưởng xây dựng không gian văn hóa trên dòng sông Tô Lịch là việc không đơn giản, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà khoa học liên ngành cần vào cuộc để đóng góp ý kiến.
 
Còn đại diện một xí nghiệp thoát nước Hà Nội nêu vấn đề cải tạo sông Tô Lịch sau đó phát triển du lịch, văn hóa không phải mới mà đã có từ lâu được nhiều nhà khoa học đóng góp, đề xuất ý tưởng. Theo vị này, muốn xây dựng công trình nào trên sông Tô Lịch thì đầu tiên phải cải tạo, hồi sinh con sông. Hiện một công ty của Nhật Bản cũng đang triển khai gói thầu xây dựng hệ thống gom nước thải sông Tô Lịch, khi hoàn thành toàn bộ nước thải dọc sông sẽ được đưa về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, khi đó sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh.
Đề xuất xây dựng Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch - Ảnh 1.
Mô hình “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh” do Công ty JVE đưa ra. Ảnh: JVE
Đề xuất xây dựng Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch - Ảnh 2.
Sông Tô Lịch hiện tại. Ảnh: HUY THANH
Cần bàn bạc kỹ
Theo phương án của Công ty JVE, sông Tô Lịch sẽ được kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay). Dọc hai bên sông là hàng cây, đường đi dạo với không khí trong lành. Sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh với nước trong ngần, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt. Trên sông là dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách tham quan. Dọc hai bên sông luôn là những nơi sạch nhất, đẹp nhất làm nơi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của mọi người dân Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước. Dọc theo bờ sông dài 15 km sẽ tái hiện chiều dài lịch sử Việt Nam…
 
Nhiều chuyên gia khoa học còn băn khoăn và cho rằng ý tưởng khôi phục sông Tô Lịch theo hướng du lịch tâm linh là hơi mơ hồ. Mục tiêu lớn nhất là xử lý ô nhiễm, hồi sinh con sông này, sau đó mới tính đến những việc khác. Cần có hội đồng khoa học tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để bàn bạc kỹ, cho ý kiến về việc cải tạo cũng như các giải pháp cụ thể khôi phục, phát triển dòng sông.
 
Một nguyên lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội nhận định muốn làm sạch sông Tô Lịch trước hết phải thu gom nước thải sinh hoạt hai bên bờ sông. Hiện nay, việc này đang được TP Hà Nội triển khai. Nước thải sau khi thu gom sẽ được xử lý, bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Không nên kè đáy dòng sông như ý tưởng của Công ty JVE, vì như thế sông sẽ giống như một mương thoát nước. Kè hai bên bờ cũng phải là kè hở thì mới thuận lợi cho việc xử lý ô nhiễm. Ngoài ra, nguồn lực để xử lý ô nhiễm, hồi sinh sông Tô Lịch rất lớn, cần nghiên cứu, cân nhắc việc sử dụng các nguồn vốn sao cho phù hợp.
Cải tạo đồng bộ các dòng sông
 
Nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội có đến 6 con sông "chết", ngoài sông Tô Lịch, còn có sông Nhuệ, sông Đáy, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét. Các con sông này đều đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp lại chỉ chọn sông Tô Lịch để đề xuất cải tạo, từ đó xây dựng "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh" mà không chọn các con sông khác?
 
TS Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng các con sông ở Hà Nội đều có những giá trị, bản sắc riêng từ nhiều đời nay. Nhiều năm nay Hà Nội đang loay hoay với các phương án cải tạo sông, hồ nhưng đều chưa giải quyết được căn cơ vấn đề. Vai trò của các con sông cần phải được đánh giá như nhau, dân cư hai bên bờ sông cũng phải được những ưu đãi như nhau, dân cư dọc sông Tô Lịch cũng chỉ là một phần dân cư Hà Nội. Vì vậy, cải tạo sông là phải đồng bộ, không chỉ một mà phải tất cả con sông. Để làm được như vậy, cần phải nghiên cứu, xây dựng, đóng góp, tham khảo... để tìm ra giải pháp hợp lý nhất.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội