Hơn 600 cột điện gãy đổ trong bão số 5: Bộ Xây dựng chỉ rõ nguyên nhân

Thứ bảy, 03 Tháng 10 2020 17:14 (GMT+7)
Bộ Xây dựng vừa nêu nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc hàng trăm cột điện ở các tỉnh miền Trung gãy đổ trong bão số 5.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 4777 gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bêtông cốt thép ly tâm sử dụng trong các công trình đường dây truyền tải điện trên không.
 
Sau vụ việc hàng trăm cột điện gãy đổ trong cơn bão số 5 vừa qua, ngày 25-9, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp với đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, EVN, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung và một số chuyên gia về xây dựng để làm rõ các vấn đề liên quan. Trong đó, các cơ quan đã tập trung làm rõ nguyên nhân cột điện gãy đổ trong thời gian qua.
Hơn 600 cột điện gãy đổ trong bão số 5: Bộ Xây dựng chỉ rõ nguyên nhân - Ảnh 1.
Cột điện gãy đổ trong bão số 5 tại Thừa Thiên Huế
Theo Bộ Xây dựng, tình trạng gãy đổ các cột điện bêtông cốt thép, trong đó có cả các cột điện bêtông cốt thép ly tâm dự ứng lực được sản xuất trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do số lượng cột điện bêtông cốt thép rất lớn, có nhiều nguồn gốc khác nhau, được xây dựng bởi nhiều chủ thể trong nhiều giai đoạn và do các tác động bất lợi như cây đổ, sạt lở đất.
 
Nguyên nhân chủ quan là do việc thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng, bảo trì còn những tồn tại, chưa đáp ứng quy định; thiếu tính toán, kiểm tra khả năng chịu lực cột điện bêtông cốt thép theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế kết cấu bêtông cốt thép hiện hành.
 
Qua đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương là bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN là đơn vị điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại các loại cột điện bêtông cốt thép hiện hữu đang khai thác trong hệ thống. Đồng thời, có các biện pháp, kế hoạch và lộ trình phù hợp để gia cường, sửa chữa, thay thế các cột có nguy cơ không đảm bảo an toàn chịu lực trước mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến công tác khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp dựng, nghiệm thu và khai thác cột điện bêtông cốt thép theo các quy định hiện hành. Trong đó, cần lưu ý quy định các đơn vị thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng cột bêtông cốt thép, bêtông cốt thép ly tâm khi chế tạo, lựa chọn và thi công lắp dựng phải tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về thiết kế kết cấu, nền móng.
 
Bộ Xây dựng cũng đề nghị xem xét giao đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và năng lực phù hợp thực hiện tính toán kết cấu, lập bản vẽ thiết kế điển hình đối với các loại cột điện bêtông cốt thép để đảm bảo an toàn và đồng bộ.
Vừa qua do bão số 5, trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có 616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng (trên tổng số 531.135 cột điện tại các tỉnh, thành phố này). Trong đó, có 304 cột bị gãy (chiếm tỉ lệ 0,06%), 169 cột bị đổ, 143 cột bị nghiêng.
 
Trong số 304 cột bị gãy tại các tỉnh, TP nêu trên, có 34 cột bêtông dự ứng lực và 270 cột bêtông thường. Riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 272 cột bị gãy, trong đó có 30 cột bêtông dự ứng lực. Thống kê trên cho thấy tỉ lệ cột bêtông dự ứng lực chiếm một phần rất nhỏ (khoảng 11%) trong tổng số cột điện bị gãy.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội