Từ phản ánh của Báo SGGP, UBND tỉnh Long An chỉ đạo xử lý vụ ồ ạt bán đất hầm

Thứ sáu, 09 Tháng 10 2020 09:05 (GMT+7)
UBND tỉnh Long An vừa có công văn chỉ đạo giao cho Sở TN-MT tỉnh Long An chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và các cơ quan liên quan nhanh chóng kiểm tra, rà soát, giải quyết theo thẩm quyền đối với thông tin mà Báo SGGP phản ánh trong bài viết “Đồng Tháp Mười: Ồ ạt bán đất hầm”
 
Ao cá bị biến thành hồ sâu gần chục mét ở huyện Tân Hưng (Long An)
Ao cá bị biến thành hồ sâu gần chục mét ở huyện Tân Hưng (Long An)
 
Ngày 8-10, thông tin từ UBND tỉnh Long An cho biết: UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo giao cho Sở TN-MT tỉnh Long An chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và các cơ quan liên quan nhanh chóng kiểm tra, rà soát, giải quyết theo thẩm quyền đối với thông tin mà Báo SGGP phản ánh vào ngày 1-10, tại bài viết  “Đồng Tháp Mười: Ồ ạt bán đất hầm”, phản ánh về tình trạng dân bán đất hầm cho doanh nghiệp khai thác tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
 
Theo văn bản, chậm nhất ngày 26-10, các ngành, địa phương liên quan phải báo cáo kết quả xử lý cho UBND tỉnh, đồng thời phải chủ động cung cấp thông tin kết quả kiểm tra, giải quyết cho Báo SGGP biết.
 
Như Báo SGGP đã phản ánh, chưa đầy 3 năm tính từ năm 2017, người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười của Long An đã tự đào đất ruộng để làm ao ương cá tra giống, với diện tích 3.550ha…
 
Hiện nay, việc ương nuôi cá không hiệu quả, nhiều người bị lỗ vốn, nhưng nếu nuôi tiếp thì lỗ; còn bỏ ao, treo ao thì lãng phí, không có tiền để trả nợ ngân hàng; muốn san lấp thì không có vốn để thực hiện. Vậy nên nhiều người làm liều thả nuôi tiếp, người thì chuyển qua nuôi ếch, lươn; cũng có người nuôi cá lóc, cá rô để kiếm sống qua ngày. Cũng có người gom hết phần tiền tích lũy còn lại, rồi vay mượn thêm để san lấp lại các ao làm lúa hoặc trồng cỏ nuôi bò, nhưng rất bấp bênh.
 
Điều đáng nói là khi người dân tự ý đào đất ruộng, làm ao để nuôi cá, vẫn không thấy chính quyền địa phương và ngành chức năng lên tiếng. Khi nuôi lỗ lã, nhiều người dân bán luôn ao nuôi cho người khác để khai thác đất hầm, kể cả đất đang làm ruộng, ngành chức năng cũng không có phản ứng gì. 
 
ĐĂNG NGUYÊN - (sggp.org.vn)
T/h: Nhi  - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội