Lũ chưa về đã phải lo hạn, mặn

Thứ hai, 12 Tháng 10 2020 10:11 (GMT+7)
Đỉnh lũ năm nay ở ĐBSCL rất thấp nên nguy cơ hạn, mặn đến sớm, nông dân được khuyến cáo xuống giống sớm để bảo đảm vụ mùa bội thu
 
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, lũ năm 2020 khu vực ĐBSCL đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô tới và ảnh hưởng nhiều đến vụ lúa đông xuân. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có nhiều chỉ đạo khẩn để bảo đảm vụ đông xuân 2020-2021 thắng lợi.
 
Gieo sạ sớm ở vùng nguy cơ thiếu nước
 
Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo mực nước đỉnh  ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng xuất hiện vào ngày 17 đến 18-10 ở mức 2,4-2,75 m và dưới mức báo động I (3,5 m). "Vì vậy, khả năng xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2020 và sẽ gay gắt, cao hơn so với trung bình nhiều năm. Các địa phương cần sớm có biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn" - ông Quyết cảnh báo.
 
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong vụ đông xuân 2020-2021, ĐBSCL gieo sạ hơn 1,55 triệu ha, năng suất ước đạt hơn 7 tấn/ha, tổng sản lượng gần 11 triệu tấn lúa. Căn cứ vào thời gian cung cấp nước ngọt, lượng nước có khả năng phục vụ tưới tiêu cho sản xuất lúa, ông Tùng đề nghị chỉ bố trí sản xuất lúa đông xuân 2020-2021 ở những vùng còn đủ 3 tháng có nước ngọt.
 
Theo đó, những vùng có nguy cơ thiếu nước cần xuống giống sớm (từ ngày 10 đến 30-10), gồm: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang với diện tích khoảng 335.000 ha. Xuống giống đợt 2 (từ ngày 1 đến 30-11) cho cả 3 vùng: vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển với diện tích khoảng 636.000 ha. Xuống giống đợt 3 (từ ngày 1 đến 31-12) với diện tích khoảng 550.000 ha.
 
Lũ chưa về đã phải lo hạn, mặn - Ảnh 1.
Nông dân lãi đậm trong vụ lúa năm 2020. Ảnh: NGỌC TRINH
 
Chủ động trữ nước ngọt
 
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con gieo sạ vụ đông xuân từ ngày 20 đến 30-10. "Bảo đảm sẽ có khoảng 24.000 ha thu hoạch trước Tết nguyên đán. Ngoài ra, địa phương cũng vận động bà con tích cực trữ nước ngay trong mùa mưa" - ông Mẫn nói.
 
 
Trong khi đó, theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, tỉnh này đã ban hành lịch xuống giống vụ đông xuân tới gồm 3 đợt: cuối tháng 10, cuối tháng 11 và cuối tháng 12. Hậu Giang cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn, mặn năm 2020-2021, trong đó có chỉ đạo ngăn mặn, trữ nước ngọt để bảo đảm vụ đông xuân được thắng lợi.
 
Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2020, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 vùng Nam Bộ tổ chức ngày 9-10 ở TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo: "Năm nay  rất thấp nên đã xuất hiện nguy cơ cho vụ đông xuân 2020-2021. Đề nghị các địa phương vận động nông dân gieo sạ sớm, đặc biệt các tỉnh ven biển. Bảo đảm khi mặn tác động mạnh nhất thì lúa đã chín và thu hoạch xong".
 
Bên cạnh đó, ông Doanh khuyến cáo nông dân cần tích trữ nước ngọt tại chỗ, sử dụng bộ giống lúa chất lượng nhưng ngắn ngày. "Sắp tới, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT sẽ đi từng tỉnh ven biển để nắm tình hình nhằm có lịch xuống giống cụ thể cho từng vùng" - ông Doanh thông tin.
 
Ca Linh - (nld.com.vn)
T/h: Ngọc Huyền - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội