Đáng báo động nhất là tại khu vực đầu cồn hướng về phía đầu nguồn, tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Theo đó đã có gần 2ha đất biến mất, có những hộ dân phải di dời nhiều lần nhưng vẫn chưa thể yên tâm vì mặt sông cứ tiếp tục lấn tới.
Ông Lê Văn Nho, Trưởng ban nhân dân ấp Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ cho biết, có những hộ dù có sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) trong tay nhưng trên thực địa hiện chỉ là mặt sông.
Người dân sống trên Cồn Hồ kiểm tra những điểm có dấu hiệu sắp sạt lở.
“Có những hộ như nhà ông Trần Văn Đảnh ở khu vực bị sạt lở, nhà ông khoán 8.000m2 để sử dụng, nhưng thực tế đã bị sạt lở hết”, ông Nho cho hay.
Cồn Hô là một cù lao được hình thành tự nhiên trên sông Cổ Chiên (01 nhánh của sông Tiền). Trước đây cồn này có diện tích trên 29ha nhưng nay chỉ còn khoảng 27ha. Trong khi đó, thời gian gần đây ngày càng xuất hiện những hàm ếch khoét sâu vào bờ. Đó là chưa kể hiện tượng triều cường xâm thực, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Cả cây dừa hơn chục năm tuổi cũng bị bật gốc.
Bà Võ Thị Năm, người đã 2 lần di dời nhà tránh sạt lở cho biết: “Nhà tôi đang nguy cơ bị sạt lở rất cao, ban đêm không dám ngủ vì sợ sạt lở. Giờ chỉ còn cách phải di dời nhà chứ không ở được nữa”.
Theo chính quyền địa phương, vì có vị trí giáp ranh với địa phận tỉnh Vĩnh Long nên tình hình khai thác cát trộm khu vực gần Cồn Hô rất phức tạp, nhất là phía Vĩnh Long. Việc khai thác cát tác động đến dòng chảy của dòng sông, khiến cồn tự nhiên này không những không được bồi đắp thêm mà hiện tượng mất đất ngày càng nhanh. Trước thực trạng này người dân sinh sống trên Cồn Hô và chính quyền xã Đức Mỹ rất nhiều lần đề nghị ngành chức Trà Vinh tiến hành khảo sát và làm việc với phía Vĩnh Long để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, tuy nhiên vẫn chưa có giải pháp triển khai. Trong khi diễn biến sạt lở ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Hàm ếch liên tục xuất hiện.
Ông Mai Thanh Tú, Phó chủ tịch UBND xã Đức Mỹ cho biết: “Do khai thác cát phía Vũng Liêm (Vĩnh Long) gần đầu cồn tạo thành lòng chảo, làm thay đổi dòng chảy đạp thẳng vào đầu cồn. Do đó, lở nhiều ở mũi tàu (đầu cồn) còn đuôi cồn ít lở hơn. Trước đây chưa có khai thác cát thì tình hình ổn, nhưng 5 năm nay thì lở càng nhiều hơn. Vấn đề này xã không đủ khả năng giải quyết”.
Những xà lan chở cát khổng lồ tới lui rất thường xuyên.
Hơn bao giờ hết, ngay lúc này người dân sinh sống trên Cồn Hô rất cần ngành chức năng vào cuộc, tìm ra giải pháp căn cơ để giúp người dân ổn định cuộc sống./.
Thạch Sa Oanh/VOV-ĐBSCL
T/h: Nhi - (dongbang.vn)