Thả cá bản địa về thiên nhiên trở thành hoạt động mang tính lễ hội hàng năm. Ảnh: MINH HIỂN
Tái tạo nguồn lợi thủy sản
Đây là hoạt động thường niên được An Giang thực hiện từ năm 2012 đến nay. Mục đích của việc làm này nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cộng đồng, bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nói riêng, tín đồ theo đạo nói chung. Ý nghĩa của hoạt động này là duy trì sự ổn định về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học các giống loài ngoài tự nhiên.
“Đây là hoạt động thiết thực, mang tính nhân văn. Thông qua hoạt động này, chúng ta sẽ tái tạo các loài cá bản địa, quý hiếm; các loài cá có giá trị kinh tế cao đang bị khai thác quá mức nhằm góp phần bổ sung quần đàn, tạo ra sự cân bằng sinh thái, đa dạng các giống loài thủy sản trong tự nhiên” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang Trần Châu Phương Tuấn chia sẻ.
Theo đó, trong đợt thả cá bản địa về thiên nhiên, tái tạo, bảo tồn nguồn lợi thủy sản lần này, ngoài các loài cá như: chạch lấu, cá heo, mè hôi, lăng nha, cá chép… Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản sẽ hỗ trợ 14.800 con cá bao gồm: 6.800 con cá hô (cỡ 8-10 cm) và 8.000 con cá bông lau (cỡ cá 8-12cm). Kinh phí thả cá năm nay ước tính khoảng 250 triệu đồng và được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nghĩa là nhà nước và nhân dân cùng đóng góp để thực hiện.
“Là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, chúng tôi cảm thấy rất vui, phấn khởi và tự nguyện tham gia đóng góp cho hoạt động này hàng năm, bởi thả cá phóng sinh là một trong những việc làm của tín đồ cần thực hiện (khi có điều kiện). Việc này góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, vì vậy ngoài bản thân tham gia chương trình, tôi còn vận động người thân đóng góp tiền, ngày công cho hoạt động trên” - bà Trần Thị Thanh Thủy (thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân) chia sẻ.
Khai thác
Những năm gần đây, ĐBSCL không có lũ lớn, vì vậy lượng cá, tôm từ thượng nguồn đổ về ngày càng ít, trong khi nhiều người sinh sống dựa vào việc đánh bắt thủy sản tự nhiên, nhưng việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản bằng các loại ngư cụ cấm nên nguồn lợi thủy sản dần bị cạn kiệt. Trước thực tế này, từ năm 2012 đến nay, hàng năm tỉnh đã đề ra kế hoạch, đưa hoạt động thả cá bản địa về thiên nhiên (phóng sinh) trở thành hoạt động lễ hội, mang tính thường niên và được xã hội hóa nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm.
Ông Trần Châu Phương Tuấn cho biết, hàng năm, ngoài việc phối hợp cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Phú Tân tổ chức địa điểm thả cá; thực hiện công tác hậu cần (khánh tiết, bàn ghế, hoa, băng-rôn, khẩu hiệu, trang trí trên tàu, thuyền phục vụ thả cá), Ban Điều hành thả cá thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn hướng dẫn các đại biểu, tín đồ thả cá đúng kỹ thuật; khuyến khích bà con thả các giống loài nhằm tái tạo các loài cá bản địa, có giá trị kinh tế cao và các loại cá quý hiếm. “Chúng tôi khuyến khích bà con không thả các loài ngoại lai, có nguy cơ xâm hại như: ốc bươu vàng, tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt, cá chim trắng toàn thân, rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cá ăn muỗi, cá trê phi, cá trê phi lai” - ông Tuấn cho biết thêm.
Ngoài việc hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng những quy định trong thả cá thiên nhiên về bản địa, ban điều hành còn biên soạn, in ấn, phát hành các loại tài liệu; tập huấn tuyên truyền về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tập huấn quy trình, phương pháp, kỹ thuật lưu giữ, vận chuyển và thả cá để tránh hao hụt, tăng tỷ lệ sống, thích nghi nhanh với điều kiện môi trường tự nhiên. Theo đó, trong đợt thả cá lần này, ban điều hành đã in ấn và cung cấp khoảng 2.000 tranh ảnh, tờ rơi, poster cho nhân dân trên địa bàn để tuyên truyền cho bà con hiểu và thực hiện đúng quy định trong thả cá phóng sinh, thả cá bản địa về thiên nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Tất cả các loài cá được thả đa phần là cá quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao
“Mục đích của thả cá bản địa về thiên nhiên nhằm hướng hoạt động thả cá phóng sinh để tái tạo nguồn lợi thủy sản từng bước đi vào nền nếp, ở đó có sự liên kết chặt chẽ giữa thả cá và ngăn chặn các hành vi không đúng như phát tán những loài thủy sản ngoại lai xâm hại ra môi trường; không đánh bắt thủy sản bằng các loại ngư cụ cấm, mang tính hủy duyệt; chủ động cung cấp và vận động các tín đồ và người dân thả phóng sinh những giống thủy sản hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang” - ông Trần Châu Phương Tuấn chia sẻ.
MINH HIỂN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)