Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà: Không nên phát triển thủy điện nhỏ bằng mọi giá

Thứ bảy, 24 Tháng 10 2020 20:11 (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng thủy điện bao giờ cũng có hai mặt. Do đó, không nên khuyến khích phát triển thủy điện nhỏ bằng mọi giá.
 
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay 24-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho rằng thủy điện bao giờ cũng có hai mặt. Do đó, không nên khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không nên phát triển thủy điện nhỏ bằng mọi giá - Ảnh 1.
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà: Không nên tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ bằng mọi giá
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đợt lũ lụt đang diễn ra tại miền Trung có nguyên nhân do biến đổi khí hậu cực đoan. Thực tế, tất cả các chỉ số cho thấy đều vượt lũ lịch sử, vượt các chỉ số cảnh báo.
 
Thiên tai xảy ra ở miền Trung vừa qua là tổ hợp các loại hình thời tiết nguy hiểm do khí hậu cực đoan, nhiều tổ hợp thiên tai cùng lúc.
 
Trước ý kiến cho rằng thiên tai lũ lụt xảy ra ở miền Trung có tác động từ hệ thống các thủy điện, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết việc xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào thiết kế, đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong quản lý vận hành. "Với thủy điện lớn, bài toán cắt lũ được giải quyết tốt, giúp điều tiết nước để cung cấp nước cho hạ du. Thủy điện nhỏ không có chức năng này, nhưng khi đi vào vận hành phải tuân thủ quy chế đảm bảo an toàn" - Bộ trưởng nói.
Quan điểm của Bộ TN-MT là thủy điện bao giờ cũng có hai mặt. "Do đó, không nên khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ"- ông Trần Hồng Hà bày tỏ.
 
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Quốc hội khóa XIII thảo luận, Bộ TN-MT và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm hơn 400 hồ thủy điện nhỏ. Trong thời gian sắp tới, chúng ta hết sức thận trọng khi xây các thủy điện nhỏ.
 
Ông Trần Hồng Hà nêu rõ Bộ TN-MT cho rằng không nên tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ. Còn khi phát triển các loại thủy điện thì cần chú ý phương án công nghệ để hài hòa môi trường. Ví dụ như không làm các đập dâng, sử dụng năng lượng thế năng tự nhiên, tức là công suất quy mô từng nhà máy thì nhỏ nhưng công suất toàn bộ trên hệ thống trên sông vẫn đáp ứng được yêu cầu chung. Như vậy chi phí đầu tư sẽ tăng nhưng tính bền vững lâu dài hơn.
 
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần lưu ý, quá trình thực hiện cần lựa chọn các công nghệ liên quan đến môi trường, dòng chảy, dòng đi của cả bùn và phù sa có thể duy trì thường xuyên khi có đập thủy điện.
 
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội