Nỗ lực khắc phục sạt lở đê bao tại cồn Thanh Long, Vĩnh Long

Thứ ba, 27 Tháng 10 2020 08:53 (GMT+7)
Ngày 26/10, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Văn Hữu Huệ cho biết, ngành chức năng đang phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án gia cố đoạn đê bao vừa bị sạt lở tại cồn Thanh Long, thuộc ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
 
Chú thích ảnh
Cồn Thanh Long, xã Quới Thiện bị sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều diện tích vườn cây, nhà dân bị ngập nặng. 
 
Trước đó, vào rạng sáng 26/10, một đoạn đê bao tại cồn Thanh Long bị sạt lở nghiêm trọng khiến hầu hết vườn cây ăn trái và nhà dân trong khu vực bị ngập nặng. Đoạn sạt lở dài khoảng 70m, xâm thực vào bên trong khoảng 10m. Nước sông Cổ Chiên vẫn đang tràn vào bên trong theo đoạn sạt lở này và địa phương chưa thể khắc phục. Đặc biệt, dọc theo khu vực đê bao này còn nhiều vị trí xung yếu, có nguy cơ bị sạt lở mỗi khi triều cường lên cao hoặc mưa lớn. Theo các hộ dân nơi đây, ngay khi sạt lở bờ bao, nước tràn vào đã gây ngập nhiều nhà dân và vườn cây ăn trái; mực nước lên cao hơn 1,5 m, cá biệt một số nơi nước lên ngập đến mái nhà.
 
Do nhà ở khu vực trũng thấp, bà Tạ Thị Rõ, ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm đã làm một căn lều tạm trên bờ đê cao để phòng khi sạt lở sẽ ra ở tạm. Bà cũng tranh thủ di chuyển con lợn là nguồn sinh kế chính của gia đình lên bờ đê để hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, vụ sạt lở diễn ra vào ban đêm khiến gia đình bà không kịp xoay xở. Nước dâng cao ngập đến mái nhà, dù đã chuẩn bị trước nhưng nhiều vật dụng vẫn bị ngâm trong nước. Bà Tạ Thị Rõ cho biết: “Nửa đêm nước tràn vào, tui đang ngủ không kịp chạy nên cũng ướt hết. May mà hai vợ chồng leo lên đê kịp và đã di chuyển được một số đồ đạc lên trên đê trước nên cũng còn đồ để dùng. Không biết bao giờ mới khắc phục được để trở lại nhà ở”.
 
Theo ông Phan Thanh Minh, Trưởng ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, khu vực đê bao tại cồn Thanh Long từng bị sạt lở nghiêm trọng vào năm 2016, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Những năm gần đây, khu vực này vẫn tiếp tục sạt lở dù người dân địa phương đã nhiều lần gia cố. Vừa qua, khi đoạn đê bao có dấu hiệu sạt lở, các hộ dân tại đây đã góp kinh phí thuê máy móc gia cố lại. Tuy nhiên, do nước lên cao kết hợp với mưa lớn khiến đoạn đê bao bị sạt lở vào sáng 26/10. Khu vực này hiện có 34 hộ sinh sống, trong đó có nhiều hộ bị ảnh hưởng trực tiếp; đặc biệt có 17,2 ha vườn cây ăn trái bị đe dọa do ngập nước liên tục. Nhiều vườn bưởi da xanh, xoài đang cho trái có nguy cơ mất trắng nếu tình trạng ngập nước kéo dài. Để giảm thiệt hại, nhiều hộ dân đành thu hoạch trái non.
 
Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Chí Lập, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long tranh thủ thu hoạch xoài để giảm thiệt hại. 
 
Là hộ dân từng bị thiệt hại nặng do đợt sạt lở năm 2016, đến nay gia đình bà Nguyễn Kim Hòa ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm đã trồng lại hơn 1,1 ha vườn chanh và ổi, chuẩn bị cho thu hoạch. Tuy nhiên, đê bao bị sạt lở đã khiến vườn chanh bị ngập trong nước. Bà Hòa lo lắng nếu nước ngập 3-4 ngày liên tục, chanh sẽ bị suy kiệt. Hiện gia đình bà đang cố gắng thu hoạch số lượng chanh ở trên cao chưa bị ngập nước để bán, giảm bớt thiệt hại.
 
Gần đó, gia đình ông Nguyễn Chí Lập cũng đang tranh thủ thu hoạch xoài để bán. Theo ông Lập, đoạn đê bao sạt lở nằm ngay khu vực vườn nhà ông, nước tràn thẳng vào vườn, việc thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn 1,9 ha xoài và bưởi da xanh của gia đình ông đang bị ngâm trong nước, phải nhanh chóng thu hoạch để tránh nước ngập kéo dài làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái cây. “Tình hình nước bên ngoài sông vẫn đang tràn vào, đến tối là nước sẽ ngập lên cao hơn 1,5 m. Bà con ở đây rất lo lắng, vừa ảnh hưởng đời sống vừa lo mất thu nhập do vườn cây bị ngập. Nếu không sớm gia cố, đoạn đê bao này sẽ tiếp tục sạt lở rất nguy hiểm”, ông Nguyễn Chí Lập nói.
 
Ngay trong ngày 26/10, các đơn vị chức năng của tỉnh Vĩnh Long đã đến khảo sát và chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sạt lở. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Văn Hữu Huệ cho biết, đây là khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra sạt lở, rất khó khắc phục. Trước tình hình này, ngành chuyên môn sẽ phối hợp với chính quyền địa phương vận dụng phương châm “4 tại chỗ” chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố. Trong sáng 27/10, ngành sẽ điều động các phương tiện cơ giới và vật tư, nhân lực đến để tiến hành gia cố, phấn đấu trong 3 ngày sẽ cơ bản khắc phục xong, đảm bảo ngăn nước, hạn chế thiệt hại khi con nước triều cường sắp tới lên cao. Ngành cũng đề nghị các địa phương, nhất là các xã cù lao cần cảnh giác, tích cực rà soát, gia cố đối với các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở để hạn chế thiệt hại.
 
Lê Thúy Hằng (TTXVN)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội