Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Công văn số 5029/UBND-NNTN về việc tăng cường công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Theo đó, công văn yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động của cơ quan, đơn vị, nhân dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung Công văn số 81-CV/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; rà soát kế hoạch hành động ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025.
Song song với công tác triển khai thực hiện công văn, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện có liên quan tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn và văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành, Trung ương tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bằng nhiều hình thức khác nhau; mở lớp tập huấn tuyên truyền tại các xã, thị trấn, Đồn Biên phòng, phát thanh trên hệ thống truyền thông, phổ biến sâu rộng Luật Thủy sản có liên quan đến chống khai thác IUU đến người dân.
Qua rà soát, ngành chức năng tỉnh xác định, 431 tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Từ đó, đưa vào danh sách theo dõi, quản lý, có biện pháp tuyên truyền, vận động và giám sát chặt chẽ.
Từ đầu năm đến nay, đã kiểm soát được 1.724 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên cập cảng, cấp 4.380 biên bản cập cảng, rời cảng cho tàu cá; kiểm soát được hơn 9.600 tấn sản phẩm khai thác qua cảng.
Tính tháng 3/2020 đến nay, đã cấp 7 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sàn khai thác cho doanh nghiệp, với khối xác nhận gần 420 tấn sản phẩm và 26 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, với khối lượng chứng nhận gần 400 tấn sản phẩm.
Mặc dù Cà Mau đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác đúng theo quy định của pháp luật, không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, buộc chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác vi phạm chủ quyền các nước. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép vẫn còn xảy ra.
Tàu cá hoạt động trên vùng biển của Cà Mau.
Từ đầu năm đến nay, có 05 tàu cá, với 45 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, trong đó có 1/5 tàu cá bị bắt được thả về. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 144 vụ, hơn 3,8 tỷ đồng. Qua đó, lồng ghép tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho 884 trường hợp.
Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 1.348/1.595 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 84,5%. Trong đó, số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên là 56/61 chiếc, đạt 91,8%, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m là 1.292 chiếc. Ngoài ra, còn có 4 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 m tự nguyện lắp đặt, tính đến thời điểm này còn lại 247 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình...
HUY DIỆU - LÊ DIỄM - (daidoanket.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)