Vốn được xem là "vùng trũng" trong hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) so với cả nước, thế nhưng vài năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nổi lên khi nhiều tỉnh đã có những hoạt động giải quyết việc làm bền vững cho người lao động (NLĐ) thông qua XKLĐ. Không chỉ hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, việc hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh.
Hỗ trợ vốn cho người lao động
Giai đoạn 2011-2019, tỉnh Long An chỉ đưa được 1.214 người đi làm việc tại các nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Nguyên nhân người đi XKLĐ còn quá ít là do trình độ tay nghề, ngoại ngữ của NLĐ còn thấp, chưa đáp ứng được thị trường lao động có yêu cầu cao; chưa có chính sách hỗ trợ, khuyến khích NLĐ tham gia XKLĐ.
Các học viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp đọc tuyên thệ trước khi xuất cảnh sang Nhật Bản
Để cải thiện tình hình, mới đây, UBND tỉnh Long An đã xây dựng đề án XKLĐ giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu mỗi năm đưa ít nhất 1.000 NLĐ ra nước ngoài làm việc. Tỉnh Long An đã chọn được 12 doanh nghiệp (DN), công ty XKLĐ có uy tín tham gia đề án này cùng với việc hỗ trợ vốn cho NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Mức vay tối đa là 150 triệu đồng, dành cho các hộ hoàn cảnh khó khăn có mong muốn xuất ngoại làm việc để cải thiện thu nhập, nâng cao kỹ năng tay nghề để trở về phục vụ quê hương.
Nhằm tạo sức bật mới trong công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã phê duyệt đề án hỗ trợ NLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Để NLĐ có thể tiếp cận vốn vay XKLĐ, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) - Chi nhánh Tiền Giang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình có thành viên đến độ tuổi lao động chưa tìm được việc làm ổn định có nhu cầu ra nước ngoài làm việc, đồng thời hướng dẫn cách làm thủ tục, hồ sơ vay vốn.
Bên cạnh đó, đối tượng vay vốn đã được mở rộng, bao gồm: Người trong độ tuổi lao động thuộc diện mồ côi hoặc xuất thân từ các cơ sở bảo trợ xã hội; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an chưa có việc làm ổn định; học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm ổn định và thanh niên hiện chưa có việc làm ổn định.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bến Tre cho biết ngân hàng này đang có chủ trương cho vay đối với lao động ở khu vực nông thôn với mức vay tối đa 200 triệu đồng, không cần có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Đây là ưu đãi nhằm giúp NLĐ tỉnh nhà tháo gỡ khó khăn về chi phí khi tham gia XKLĐ. Về điều kiện vay vốn, NLĐ phải có hợp đồng ký kết với DN phái cử lao động được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi XKLĐ; NLĐ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh nằm ở khu vực nông thôn có hoàn cảnh khó khăn.
Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp
Tỉnh Đồng Tháp là điểm sáng tại khu vực ĐBSCL trong việc hỗ trợ NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Ông Lê Minh Hoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (nay là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trong 2 năm (2018-2019), Đồng Tháp đã đưa được 3.243 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dẫn đầu khu vực ĐBSCL. NLĐ Đồng Tháp ra nước ngoài làm việc được các DN phái cử đánh giá cao về tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp và được các đối tác tuyển dụng nước ngoài dành nhiều lời khen ngợi.
Sau khi kết thúc thời gian làm việc ở nước ngoài, con em lao động Đồng Tháp không chỉ đem lại cho gia đình, cho quê hương một lượng kiều hối mà còn mang về nhiều kiến thức, tác phong, kỹ năng làm việc công nghiệp và ý chí khởi nghiệp.
Điều đó cũng lý giải thêm cho phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ của giới trẻ Đồng Tháp trong những năm gần đây. Đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, khám sức khỏe, lệ phí visa cho NLĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo NLĐ có nhu cầu tham gia lao động ở nước ngoài nên đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tìm hiểu, đăng ký để được tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn…, tránh bị lừa đảo.
Là địa phương mới nổi lên trong lĩnh vực XKLĐ, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tiền Giang, cho biết đang triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài. Tỉnh đang có chính sách hỗ trợ vay vốn 100% không cần thế chấp, lãi suất thấp cho NLĐ tại tỉnh đang có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. "NLĐ có thể liên hệ với các chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để tìm hiểu thêm về thủ tục cho vay vốn nhằm tháo gỡ các khó khăn về tài chính.
Tôi rất mong muốn các em tại Tiền Giang tiếp cận với thông tin hữu ích này để có được quyền lợi tốt nhất, không bỏ lỡ cơ hội của mình" - ông Lâm nói.
Ông Lâm kỳ vọng thông qua con đường ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, các bạn trẻ có cơ hội học được những công nghệ, tiếp cận máy móc hiện đại và kinh nghiệm làm việc để sau đó về nước trở thành lực lượng lao động nòng cốt, đưa được những máy móc hiện đại về Việt Nam hoặc thu hút sự đầu tư nước ngoài về Việt Nam.
"Doanh nghiệp XKLĐ hợp tác với các địa phương phải có trách nhiệm với địa phương, với NLĐ, thực hiện đúng pháp luật và công khai minh bạch chi phí, chính sách tuyển dụng. Từ đó mới tránh được việc nhập cư, làm việc bất hợp pháp” - ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, lưu ý.
GIANG NAM - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)