Theo Nghị quyết thành lập TP Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 51 vừa diễn ra, Phú Quốc sẽ trở thành TP đảo đầu tiên của Việt Nam, kể từ ngày 1-3-2021.
Trước thềm lên phố
Việc thành lập TP đảo Phú Quốc đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Ngày 5-10-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành "trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo; trung tâm giao lưu, thương mại, dịch vụ chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế; có vị trí quan trọng về mặt an ninh và quốc phòng". Ngày 11-5-2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 633/QĐ-TTg, khẳng định mục tiêu "xây dựng Phú Quốc trở thành TP biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học - công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á".
Trong 15 năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, huyện đảo Phú Quốc phát triển rất nhanh, nhất là về du lịch. Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào đây với hơn 10 tỉ USD, cao gần gấp đôi tổng vốn FDI đăng ký toàn vùng ĐBSCL.
Phú Quốc cũng là đơn vị cấp huyện thu ngân sách lớn nhất tỉnh Kiên Giang và các huyện đảo cả nước. Tổng giá trị sản xuất dịch vụ của huyện đảo tăng khoảng 30%, thu hút hơn 3-4 triệu lượt khách du lịch/năm, nhiều hơn gần 40 lần dân cư trên đảo.
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết thành lập TP Phú Quốc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của huyện đảo Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Trên địa bàn huyện có 320 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340.000 tỉ đồng. Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn.
Phú Quốc sẽ trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG TUẤN
Thách thức và kỳ vọng
Việc thành lập TP đảo đầu tiên của cả nước được kỳ vọng tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức cùng với việc chuyển đổi mô hình phát triển đảo Phú Quốc từ huyện lên TP. Nổi lên là thách thức năng lực quản lý đất đai, đô thị, môi trường, văn hóa, xã hội; thách thức về nguồn nhân lực, năng lực sáng tạo, cơ chế, chính sách.
Trong khi đó, pháp luật hiện hành chỉ xác định mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn mà không có chính quyền "TP đảo". Chưa có tiêu chí nào minh định "TP đảo" phân biệt với "TP đất liền". Do vậy, việc thành lập TP đảo đầu tiên của cả nước là bước khởi đầu cho một giai đoạn mới đòi hỏi nhiều sáng tạo hơn.
Phú Quốc sẽ thiếu sức hút nếu không phải là nơi sinh sôi nguồn lợi, là môi trường đầu tư hấp dẫn, là nơi đáng sống. Sức hút mãnh liệt của "đảo ngọc" cũng đang tạo ra nhiều hệ lụy cần được tập trung giải quyết hiệu quả. Vấn đề môi trường, xử lý rác thải, nước thải vẫn đang là những điểm nghẽn trong sự phát triển của Phú Quốc.
Tình trạng ngập cũng đang là bài toán nan giải. Gần đây còn nổi lên nhiều bất cập về an ninh, trật tự xã hội; tai nạn giao thông tăng; trọng án xảy ra nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.
Phát triển nóng trong khi lực lượng cán bộ mỏng, gây quá tải cho công tác quản lý đô thị, nông thôn, an ninh trật tự. Các cơn sốt đất, sai phạm trong quản lý đất đai ở Phú Quốc từng bị phát hiện, nhiều cán bộ cấp huyện, xã đi tù nhưng vẫn lặp lại đáng lo ngại vẫn luôn là bài học cần phải được học thuộc trong công tác quản lý… khi được khoác lên mình chiếc áo mới "TP đảo".
Chúng ta kỳ vọng mới cho một giai đoạn phát triển mới của một TP đảo đầu tiên, độc đáo chưa có tiền lệ như Phú Quốc.
Nhưng để thực sự chuyển đổi Phú Quốc từ nông thôn thành đô thị, từ huyện lên thành là một khoảng cách với nhiều thách thức như nói trên.
Chiếc áo pháp lý "TP đảo" là cần cho Phú Quốc nhưng điều quan trọng là mặc vào cho "đảo ngọc" phải có sự đột phá sáng tạo, tạo được sự chuyển biến thật sự hướng đến tương lai bền vững.
Nắm giữ nhiều kỷ lục
Phú Quốc hiện nắm giữ nhiều kỷ lục quốc gia và quốc tế. Là hòn đảo lớn nhất nước, diện tích tự nhiên của Phú Quốc gần 60.000 ha, tương đương quốc đảo Singapore. Sân bay Phú Quốc là sân bay quốc tế đầu tiên của nước ta được xây dựng mới hoàn toàn tính từ sau năm 1975 đến khi khánh thành năm 2012. Theo đường cáp quang vượt biển ra Phú Quốc là tuyến điện ngầm xuyên biển đầu tiên của cả nước dài nhất Đông Nam Á, đưa lưới điện quốc gia ra "đảo ngọc" từ năm 2014.
Ngoài ra, vườn thú thiên nhiên bán hoang dã Safari Phú Quốc là khu Safari đầu tiên, lớn nhất của cả nước. Khách sạn Novotel Phú Quốc Resort thuộc dự án Tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort là dự án resort đầu tiên trên thế giới của chuỗi thương hiệu khách sạn Novotel toàn cầu. Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Khem "Mặt Trời Phú Quốc" với khách sạn 5 sao JW. Marriott và cáp treo dài nhất thế giới vượt biển ra Hòn Thơm, đưa vào khai thác năm 2018.
Theo sau nhiều công trình hạ tầng lớn trên đảo là nhiều dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhất là các dự án du lịch lớn, xác lập nhiều kỷ lục mới, tạo ra sức hút mới cho "đảo ngọc".
TS Trần Hữu Hiệp - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)