Sáng nay (21/12), Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 14.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, do tác động của không khí lạnh mạnh nên bão đang có xu hướng dịch chuyển về phía Nam. Hiện bão đang di chuyển hướng Tây Tây Nam, sau đó sẽ đổi hướng Tây Nam, đi về khu vực ven biển Cà Mau - Kiên Giang.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm
Lúc 7h sáng nay, bão ở trên khu vực quần đảo Trường Sa, tốc độ di chuyển từ 10-15km/h. Hiện tại, cường độ bão ở cấp 8, giật cấp 10.
Theo ông Khiêm, với cường độ này và đặc tính vùng biển nhiệt độ tương đối thấp, các điều kiện động lực không thuận lợi để cơn bão mạnh lên.
Trung tâm xác định, trong khoảng 12-24 giờ tới, bão duy trì ở cấp 8, giật cấp 10, sau đó sẽ bắt đầu suy yếu.
Ảnh hưởng của bão, vùng biển Trường Sa gió cấp 8, giật cấp 10. Vùng biển ngoài khơi Nam Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, khả năng gây ảnh hưởng đến các tàu thuyền ở khu vực này.
Trên đất liền, gió ít có khả năng mạnh trên cấp 6. Dự báo trong ngày và đêm mai, các đợt mưa xuất hiện ở Nam Bộ, tổng lượng mưa từ 30-70mm.
Ông Khiêm cũng cho biết, theo nhận định xa, tiếp sau bão số 14 chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự hình thành của các nhiễu động, nên đây có thể là cơn bão cuối cùng của năm 2020.
Dự báo hướng đi của bão số 14. Ảnh: Tổng Cục Phòng chống thiên tai
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, hôm qua, tàu cá số hiệu QN 96739 TS với 14 lao động bị hỏng máy và thả trôi trong vùng biển nguy hiểm. Tàu đã được một tàu khác tiếp cận và lai dắt về đảo Song Tử Tây. Tin mới nhất cho hay, tàu đã bị phá nước, tuy nhiên toàn bộ thuyền viên vẫn được an toàn.
Về tình hình tàu thuyền, đến 6h sáng nay, lực lượng chức năng đã thông báo cho 57.000 tàu/348.000 người biết về bão số 14 để thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
100 tàu/753 người hiện đã neo đậu ở quần đảo Trường Sa. Một số tàu hoạt động ở khu vực giàn khoan DK1 và bãi Tư Chính đang di chuyển vào nơi neo đậu tránh trú và vẫn giữ liên lạc với bộ đội biên phòng.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài lưu ý, số lượng tàu thuyền ở khu vực bão đi qua rất nhiều. Vì vậy, lực lượng chức năng cần tiếp tục thông báo cho các ngư dân ở các vùng ảnh hưởng cần vào tránh trú an toàn.
Ông Hoài đề nghị các đơn vị sẵn sàng phương án cứu hộ cứu nạn trên tuyến biển. Khu vực nuôi trồng trên biển, nhất là Kiên Giang cần có thông tin cho bà con đảm bảo an toàn tính mạng cá nhân cũng như bảo vệ an toàn các lồng bè.
Tổng Cục Thuỷ lợi phải lưu ý các Chi cục theo dõi tác động của sóng, gió, thuỷ triều, đê kè biển, nhất là khu vực Cà Mau. Nếu thuỷ triều lớn mà mất an toàn thì phải cho sơ tán dân.
Trên tuyến bờ, ông Hoài đề nghị các đơn vị thông tin để bà con có phương án chống úng ngập trong sản xuất nông nghiệp…
Hương Quỳnh - (vietnamnet.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)