Sáng 24/12, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021-2025. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, điểm đầu cầu TP.Hà Nội và các điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Trong 10 năm (2011- 2020), Việt Nam đã xây dựng khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km.
Hạ tầng giao thông Việt Nam “đột phá” sau 10 năm xây dựng
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt cải cách, đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của ngành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Điển hình, trong công tác đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và chủ trì Hội nghị.
Về hệ thống kết cấu hạ tầng, thời gian qua, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng. Trong năm 2020, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới.
Đặc biệt, lĩnh vực đường bộ có nhiều đột phá, đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011- 2020 khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.
Trong đó, khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội gồm Nhật Tân - Nội Bài, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Giẽ - Ninh Bình, Hòa Lạc - Hòa Bình. Đồng thời, tuyến đường cao tốc ven biển Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn đã hoàn thành.
Dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác.
Khu vực phía Nam đã hoàn thành tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam bộ và phía Bắc, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương nối với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, 2 tuyến mới là Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận đang được triển khai.
Khu vực miền Trung, Bộ GTVT đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt.
Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.
Về quốc lộ (QL), đến thời điểm này, QL1 đã được nâng cấp, mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau và được kéo dài đến Năm Căn, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nối xuống miền Đông Nam Bộ đã được mở rộng; nhiều quốc lộ trọng yếu QL2, QL3, QL6, QL10, QL18, QL21B, QL32, QL8, QL19, QL24, QL20, QL51, QL80, QL91... được đầu tư, nâng cấp toàn tuyến hoặc một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn.
Cũng trong 10 năm qua, nhiều công trình cầu, hầm cấp đặc biệt, cấp I đã được xây dựng gồm cầu Nhật Tân, Bạch Đằng, Vĩnh Thịnh, Hưng Hà, Thái Hà ở phía Bắc; các cầu Nguyệt Viên, Bến Thủy 2, cầu Rồng và các hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2, Phú Gia, Phước Tượng ở miền Trung; các cầu Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Cao Lãnh, Vàm Cống, Đồng Nai ở phía Nam,....
Năm 2021 đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc -Nam
Đề cập đến kế hoạch năm 2021, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, đối với lĩnh vực vận tải, Bộ GTVT đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì hoạt động vận tải ổn định, dần phục hồi trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, vận chuyển hành khách tăng từ 5 đến 6%, vận tải hàng hóa tăng đến 10%, hàng thông qua cảng biển tăng 7 - 8% so với năm 2020.
Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Quảng Ninh mới được đưa vào khai thác.
Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.
"Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe chở hàng quá tải trọng, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ, sử dụng các chất kích thích trong điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.
Về đầu tư phát triển, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2021 với số vốn dự kiến giải ngân khoảng 46.005 tỷ đồng.
Để hiện thực hóa, Bộ GTVT sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách; các dự án ODA chuyển tiếp,…
Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; triển khai các dự án: Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…/.
Phi Long/VOV.VN
T/h: Nhi - (dongbang.vn)