Chiều 31-12-2020, ông Trần Văn Tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết sự cố vỡ kênh 4.300 tỉ đồng Bắc sông Chu - Nam sông Mã (thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa) hôm 27-12, hiện vẫn chưa được khắc phục xong như chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.
Kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã bất ngờ vỡ hôm 27-12-2020
Trước đó, ngày 29-12-2020, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đã tới hiện trường sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan, UBND tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã gửi lời xin lỗi tới người dân Thanh Hóa vì để xảy ra sự cố không mong muốn trên và yêu cầu Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 huy động ngay máy móc, vật liệu triển khai khắc phục sự cố cả ngày lẫn đêm, hạn trong 3 ngày (từ ngày 29-12), phải khắc phục xong sự cố và cấp nước trở lại cho người dân sản xuất.
Tuy nhiên, tới chiều ngày 31-12-2020 (ngày cuối cùng theo lệnh của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp), sự cố vỡ kênh vẫn chưa được khắc phục xong. "Hiện chúng tôi đã huy động nhân lực, máy móc làm việc suốt ngày đêm, thế nhưng mới hoàn thành được hơn 30% khối lượng. Việc hoàn thành theo chỉ đạo của Thứ trưởng là không thể. Chúng tôi đang cố gắng tới trước ngày 5-1-2021 sẽ hoàn thành để cấp nước cho dân"- ông Tỉnh nói.
Về đơn vị nhà thầu thi công đoạn kênh này, ông Tỉnh cho biết không nhớ là đơn vị nào, vì công trình hoàn thành đưa vào sử dụng cũng đã lâu, thời điểm trúng thầu ông chưa làm giám đốc.
Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 đã huy động rất nhiều máy móc, nhân lực để khắc phục sự cố nhưng vẫn không hoàn thành theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào khoảng 9 giờ 45 phút ngày 27-12, kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đoạn qua địa phận thôn Minh Lãi (xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) bất ngờ bị đứt gãy, tụt sâu khoảng 1,5-2 m. Đoạn kênh bị vỡ có chiều dài 70 m (từ vị trí K5+170 đến K5+240) thuộc hạng mục cầu máng Sông Âm trên kênh chính Bắc sông Chu - Nam sông Mã. Đoạn kênh này được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2013 và chính thức được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2014.
Theo Bộ NN-PTNT, về nguyên nhân xảy ra sự cố, đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy, đoạn kênh nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên là núi, một bên là suối, đất đào và đất đắp không đồng nhất; đặc biệt đây là đoạn kênh đắp nổi, chiều cao lớn (khoảng 6-7 m), nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp.
Kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 370 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng. Công trình bắt đầu xây dựng vào năm 2014 và đưa vào vận hành năm 2016, phục vụ nước tưới cho hơn 31.000 ha đất nông nghiệp.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)