Vùng trấp còn nhiều khó khăn

Chủ nhật, 17 Tháng 1 2021 07:30 (GMT+7)
Vùng trấp là vùng đất ngập trũng như lòng chảo tiếp giáp các xã Trần Hợi, Khánh Bình Đông và thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Tuy có diện tích rộng hàng ngàn héc-ta nhưng do điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi nên suốt thời gian dài vùng đất này phát triển chậm, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Sản xuất bấp bênh
Đường giao thông vào vùng trấp thường bị ngập vào mùa nước lên.
Đường giao thông vào vùng trấp thường bị ngập vào mùa nước lên.
 
Một ngày cuối năm 2020, tôi về vùng trấp cùng với anh bạn công chức văn hóa xã Trần Hợi. Khi chúng tôi đến nhà bà Trần Ngọc Lan, Trưởng ấp Kinh Chùa, bà bảo: “Đường đi nước ngập lênh láng, khó chạy xe lắm, kiếm xuồng máy đi thuận tiện hơn”.
 
Bây giờ, giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, phương tiện đi lại của người dân hầu hết là xe máy nên việc tìm một chiếc xuồng máy là chuyện không dễ dàng. Biết chúng tôi muốn vào vùng trấp, chị chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ gần nhà bà Lan, có chiếc vỏ hằng ngày vận chuyển hàng hóa, kêu con giúp đỡ. Vậy là, khoảng 15 phút sau chúng tôi vào đến vùng trấp. Thấy tôi băn khoăn khi giữa trưa nhưng rất nhiều căn nhà cửa đóng, khóa bên ngoài, anh bạn đi cùng nói: “Ở đây sản xuất bấp bênh nên nhiều hộ đã đi lao động ngoài tỉnh”.
 
Chúng tôi ghé nhà anh Danh Văn Toàn tại vùng trấp vừa lúc anh chuẩn bị vật dụng cá nhân để đến thị trấn Sông Đốc đi bạn ghe đánh bắt thủy sản. Anh Toàn nói: “Ở đây trồng lúa không trúng lắm do nước quá sâu; nuôi cá, nước dâng thì coi như trắng tay. Vì vậy, lao động chính trong gia đình gần như phải đi nơi khác tìm việc làm để lo cho gia đình”. Nói vội rồi anh từ giã chúng tôi.
 
Do điều kiện tự nhiên là vùng ngập trũng nên làm lúa mùa năng suất không cao. Thời gian qua, bà con ở vùng trấp sống chủ yếu nhờ nguồn lợi cá đồng. Tuy nhiên, nguồn cá tự nhiên cũng cạn kiệt, còn cá nuôi thì khó đảm bảo khi nước dâng tràn bờ, xung quanh bốn bề là nước. Điều kiện tự nhiên là thế cộng với xuất phát điểm là hộ nghèo, dân trí thấp, con đông… nên không ít hộ dân lâm cảnh nợ nần, bán đất, bỏ đi xứ khác làm ăn. “Từ trên 45 hộ được cấp đất, sinh sống ở khu vực này lúc đầu, giờ chỉ còn khoảng 28 hộ. Thế nên để người dân an tâm bám quê, giữ đất, địa phương cần có giải pháp hỗ trợ việc bơm xả nước kịp thời để người dân nuôi cá và trồng lúa 2 vụ” - bà Lan bộc bạch.
 
Cần quy hoạch thủy lợi khép kín
 
Theo lời kể của những lão nông ở ấp Kinh Chùa (xã Trần Hợi), trước đây vùng trấp hoang sơ, không có dân cư sinh sống. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, vùng trấp được giao cho Trường Công nông tỉnh Cà Mau quản lý sử dụng.
 
Những năm 1980 của thế kỷ trước, nơi đây giao về cho các cơ quan đoàn thể huyện Trần Văn Thời sản xuất tự túc và một phần thì giao cho trại giống thuộc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh làm điểm thực nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp nhưng kết quả không mấy khả thi. Khoảng năm 2003, vùng trấp giao về cho các địa phương quản lý và cấp đất cho hộ nghèo sản xuất.
 
Với địa bàn quản lý trên 60ha, xã Trần Hợi đã cấp một phần cho hơn 45 hộ nghèo trồng lúa, nuôi cá để phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hợi Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ: Đời sống người dân vùng trấp phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, điều kiện tự nhiên nên có những khó khăn nhất định.
 
Những năm qua, xã quan tâm phát triển khu vực này như tranh thủ các nguồn vốn xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn đấu nối với trục đường chính về trung tâm xã, ưu tiên để bà con vùng trấp được hưởng các chính sách dành cho người nghèo… “Nhìn chung, kinh tế hộ gia đình nơi đây đã có bước phát triển rõ nét.
 
Trước đây những hộ được cấp đất đều là hộ nghèo nhưng giờ chỉ còn khoảng 2 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo, phần lớn các hộ gia đình đã có phương tiện đi lại bằng xe máy, có thiết bị nghe nhìn phục vụ đời sống tinh thần…” - ông Đoàn thông tin.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Trần Hợi Ngô Văn Trường, để vùng trấp phát triển lâu dài, ổn định và nâng cao đời sống người dân, xã đã đề xuất quy hoạch thành vùng thủy lợi khép kín, kịp thời tháo úng vào mùa mưa và trữ nước cung cấp cho khu vực xung quanh trong mùa khô hạn. Hiện dự án đang được ngành chức năng huyện tranh thủ nguồn vốn để đầu tư.
 
CHẤN PHONG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội