Người dân ở làng nông thôn mới ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) tăng thu nhập từ trồng dưa lưới (Ảnh minh họa: Phùng Dũng)..
Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại
Khác với những năm trước, mùa xuân này, anh Phan Thanh Sang, Giám đốc trang trại hoa lan "YSA Orchid", TP Đà Lạt (Lâm Đồng), vừa lo việc đóng hàng hoa kịp phục vụ thị trường Tết, vừa mở điện thoại thông minh để theo dõi Đại hội. Anh Sang cho biết: "Trong báo cáo do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội đã nhấn mạnh đến phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao; hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái sẽ góp phần quan trọng để xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tôi cho rằng, đó là định hướng rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta". Hiện anh Sang đang sở hữu hai trang trại trồng lan công nghệ cao (CNC) tại Lâm Đồng và Ninh Thuận, với tổng diện tích hơn 15 ha. Anh được xem là "thủ lĩnh" thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng và đang đảm nhiệm Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Lâm Đồng.
Trong ngôi nhà khang trang giữa trung tâm huyện Lạc Dương, Bí thư Chi bộ tổ Bon Dơng 1, thị trấn Lạc Dương Păng Ting Sin đang điều khiển hệ thống chăm sóc vườn từ xa. Được biết, vườn của gia đình anh Păng Ting Sin có hơn 1,5 ha, tất cả đều làm nhà kính, quy trình sản xuất hoa hồng đều khép kín, có hệ thống tưới nước và bón phân tự động. Đồng chí Păng Ting Sin kể: "Trước đây, khi nghe nông nghiệp CNC, mọi người lạ lắm. Sau nhờ cán bộ nông nghiệp chỉ dẫn, rồi tìm tòi, học hỏi, giờ bà con đã có kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác và nghĩ đến thị trường rộng lớn hơn. Qua đó chứng minh những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thời gian qua là đúng đắn, tạo nên những kỳ tích về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cùng với ý thức tự vươn lên của người dân, Đảng và Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân đổi mới tư duy, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất".
Đến nay, diện tích nông nghiệp ứng dụng CNC tại Lâm Đồng hơn 60.000 ha, chiếm 20% diện tích canh tác; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đạt 400 triệu đồng. Toàn tỉnh đã hình thành 19 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, tổng diện tích hơn 3.900 ha. Lâm Đồng đã hình thành lớp "nông dân thế hệ mới" năng động, sáng tạo, làm giàu từ nông nghiệp. Đây là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy làm kinh tế nông nghiệp của doanh nghiệp và nông dân Lâm Đồng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng: "Đại hội sẽ đưa ra những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ để "chắp cánh" cho nền nông nghiệp phát triển xứng đáng với tiềm năng".
Làm giàu từ biển
Sáng qua, ông Hồ Bon ở làng biển Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam (thị xã Đông Hòa, Phú Yên) dậy từ rất sớm. Ông cùng mọi người trong xóm theo dõi các bản tin thời sự thông tin về Đại hội. Từ một làng biển nghèo, xa xôi hẻo lánh, nằm núp mình dưới chân Đèo Cả, với 475 hộ dân (1.750 nhân khẩu), đến nay Vũng Rô đã có 80% số hộ chuyển sang nghề nuôi tôm hùm, các loại cá có giá trị kinh tế cao và kinh doanh buôn bán nhỏ. Nhờ vậy, trong vòng năm năm trở lại đây, đời sống kinh tế của người dân thật sự đổi thay. Cả thôn chỉ còn ba hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo, nhiều nhà giàu lên trông thấy, hầu hết người dân khá giả, con em được học hành tới nơi, tới chốn. Ông Hồ Bon xúc động: "Đó là nhờ Đảng, Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển nghề biển. Mong sao Đại hội Đảng lần này sẽ có những quyết sách mới giúp ngư dân ổn định cuộc sống, làm giàu từ biển." Anh Lê Văn Trí, cũng ở làng biển Vũng Rô, chủ tàu cá PY 95517 TS, tự hào cho biết: "Chúng tôi là thế hệ trẻ được sống ngay trên vùng đất lịch sử, với những chiến công của đoàn tàu không số Vũng Rô năm xưa, được đi khơi về lộng, khai thác hải sản trong vùng biển quê hương. Mong muốn Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách mới thu hút nhiều dự án lớn về khu vực Vũng Rô, Đèo Cả, để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này".
Phường 6, TP Tuy Hòa, được xem là cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương của cả nước, hiện có 150 trong số 800 phương tiện khai thác xa bờ của cả tỉnh. Thời điểm này có 80% số tàu cá đang khai thác trên biển khơi. Theo dõi thông tin về Đại hội qua làn sóng phát thanh, hàng nghìn người lao động trên biển đang hướng về đất liền, đặt niềm tin vào sự thành công của Đại hội. Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 cho biết: "Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; chính sách cho vay hỗ trợ đóng mới, nâng cấp công suất tàu thuyền, ngư dân có cơ hội phát triển nghề. Tôi mong muốn tại Đại hội lần này, Đảng ta sẽ tiếp tục có những chủ trương, quyết sách mới về chiến lược phát triển kinh tế biển để ngư dân cùng góp sức phát triển đất nước".
Nâng cao vị thế của nông dân
Vượt qua nhiều thử thách, Hương Trà, huyện Hương Khê là một trong hai địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Theo ông Đinh Văn Thảo, thôn Đông Trà, bên cạnh nỗ lực không ngơi nghỉ của người dân thì những đường hướng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước là động lực to lớn, định hướng và khơi thông nguồn lực cho những thành quả của ngày hôm nay. Ông Thảo phấn khởi cho biết: "Nói đâu xa, trên khu vườn rộng hơn 1,5 ha của gia đình tôi trước đây mỗi năm chỉ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng; thế rồi chúng tôi bắt tay vào xây dựng NTM, với phương châm ưu tiên phát triển sản xuất. Nhờ cơ cấu cây trồng hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chỉ sau ba năm thu nhập khu vườn đã tăng lên hơn 300 triệu đồng/năm". Theo Chủ tịch UBND xã Hương Trà, Phan Thế Hòa, không riêng gì gia đình ông Đinh Văn Thảo, hàng trăm vườn mẫu, mô hình sản xuất mới mang về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm đã được hình thành trong quá trình xây dựng NTM của địa phương. Nhờ mạnh dạn ứng dụng phương thức sản xuất tiên tiến và tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cho nên kinh tế địa phương đã có những bước tiến mạnh mẽ, thu nhập bình quân đạt hơn 51 triệu đồng/người/năm, trên địa bàn không còn hộ nghèo… Khi được quan tâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, người dân có điều kiện hơn để sẻ chia, chung tay xây dựng quê hương, đất nước.
Với tinh thần không ngơi nghỉ, từ một địa phương còn bộn bề khó khăn, đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã có 171 trong số 182 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 19 xã đạt NTM nâng cao và hai xã đạt NTM kiểu mẫu; có sáu đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2020 - 2025 và Đề án huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho biết: Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng ta khẳng định đường hướng phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM. Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng CNC, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ… Nông dân đang rất phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây là tiền đề quan trọng để tạo nên những kỳ tích về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong giai đoạn mới.
NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)