Bắt đầu từ ngày 1-1-2021, quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh BHYT nội trú chính thức có hiệu lực.
Thuận lợi cho người dân
Kể từ ngày 1-1-2021, theo khoản 6 Điều 22 Luật BHYT người dân tham gia BHYT khi đi KCB không đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến, không phân biệt nơi đăng ký KCB BHYT thuộc tỉnh, thành phố nào trên phạm vi cả nước. Những quy định mới này đang là tin hết sức vui mừng với người dân. Ông Lê Văn Huyện, ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Tôi thấy chính sách thông tuyến lần này có lợi cho người dân chúng tôi lắm, nếu mắc bệnh người dân khám bệnh tuyến tỉnh nào cũng được BHYT chi trả như đúng tuyến. Bây giờ, dịch vụ kỹ thuật y tế tăng cao, nếu chẳng may mắc bệnh mà có BHYT thì đỡ lắm chứ, nếu không sẽ tốn kém nhiều”.
Còn bà Phạm Thị Việt, ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A cũng phấn khởi cho rằng, quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh BHYT giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Trước kia, khi đi KCB, người dân phải đến những cơ sở y tế đăng ký KCB ban đầu rồi dựa vào tình trạng bệnh lý mới được quyết định chuyển lên tuyến trên để điều trị. Tuy nhiên, việc chuyển bệnh nhân cũng gặp nhiều khó khăn do vướng vào một số thủ tục hành chính. “Ốm đau, bệnh tật là điều không ai muốn, khi mắc bệnh ai cũng mong muốn được điều trị tại các cơ sở KCB chất lượng tốt. Giờ đây, khi BHYT đã thông tuyến tỉnh nội trú trong toàn quốc, người dân có quyền lựa chọn cơ sở KCB cùng tuyến tỉnh mà mình muốn”, bà Việt bày tỏ.
Việc thông tuyến tỉnh nội trú trên phạm vi toàn quốc là điều hết sức thuận lợi cho người tham gia BHYT, đồng thời đây cũng động lực để tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, khi chất lượng được nâng lên, người được hưởng lợi chính là bệnh nhân. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, theo quy định của Luật BHYT từ ngày 1-1-2021, nếu người bệnh có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển viện người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. Quy định này tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. Quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi hơn trong KCB BHYT, đây sẽ là động lực quan trọng để người dân tích cực tham gia BHYT. Từ đó, tiến tới lộ trình bao phủ BHYT toàn dân…
Thông tuyến tỉnh BHYT nội trú tạo thuận lợi cho người dân được đảm bảo quyền lợi KCB.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT
Sau 1 tháng triển khai thông tuyến tỉnh KCB BHYT nội trú, số lượng bệnh nhân đến KCB BHYT ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh không có nhiều biến động. Theo BS.CKII Đoàn Văn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân, không cao hơn so với thời điểm trước ngày 1-1-2021. Tuy nhiên, bệnh viện cũng thực hiện nghiêm quy định khám sàng lọc bệnh nhân để nhận bệnh nhân điều trị nội trú, tránh tình trạng bệnh nhân đổ dồn lên tuyến trên dù là bệnh nhẹ.
Trong năm 2020, toàn tỉnh có 106.431 lượt khám chữa bệnh điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Để nâng cao chất lượng KCB, cũng như “giữ chân” bệnh nhân, các bệnh viện và trung tâm y tế tiếp tục đầu tư nâng cao trình độ kỹ thuật y tế tại đơn vị. Theo BS.CKII Đoàn Văn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian qua, bệnh viện đã tập trung nâng cao chất lượng KCB, đầu tư máy móc hiện đại, đào tạo đội ngũ bác sĩ, y tá giỏi, đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu như truyền hóa chất cho bệnh nhân ung thư, phẫu thuật thay khớp háng, tầm soát ung thư biểu mô tế bào gan. Cùng với đó, được đầu tư máy tán sỏi laser… Các kỹ thuật này tạo điều kiện để bệnh nhân tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương.
Là cơ quan triển khai thực hiện các chế độ chính sách khám chữa bệnh BHYT, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp để đảm bảo việc thực hiện thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT nội trú kịp thời, đúng quy định. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho biết thêm: Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách thông tuyến KCB BHYT nội trú để người tham gia BHYT được biết và thực hiện. Phối hợp với cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB. Cùng với đó, BHXH tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám định chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, cũng như sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả.
Quy định thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT rất được người dân đồng tình. Tuy nhiên, người dân cần hiểu đầy đủ quy định về thông tuyến tỉnh nội trú để tránh sự lãng phí không cần thiết cả về thời gian và tiền của khi đi KCB…
Theo bà Nguyễn Thị Bông, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giám định BHYT, Bảo hiểm xã hội tỉnh, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cơ sở KCB BHYT triển khai thực hiện thông tuyến nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh từ ngày 1-1-2021. Lưu ý là đối với trường hợp người tham gia BHYT tự đi KCB nội trú tại các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh là trường hợp đi KCB không đúng tuyến nhưng được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB nội trú theo mức hưởng như đi KCB đúng tuyến, không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT. Đồng thời, phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Vì vậy, để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, trong đó có quyền lợi không phải đồng chi trả đối với các chi phí KCB thuộc phạm vi được hưởng BHYT khi đủ điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT, khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, đúng quy định.
|
Theo Luật BHYT sửa đổi từ ngày 1-1-2021, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi và quyền lợi cho người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước đối với những đối tượng là: Sĩ quan, hạ sĩ quan quân đội, công an nhân dân, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, tại xã đảo, huyện đảo; những trường hợp có chi phí chi cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến). Chi trả 95% chi phí đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thân nhân người có công với cách mạng, trừ cha mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Chi trả 80% chi phí với các đối tượng khác.
|
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)