UBND TP Hà Nội vừa thông tin báo chí về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2-2021 của TP.
Thượng tá Phạm Đức Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Hà Nội, cho biết sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vào đầu tháng 12-2020, về việc lập chuyên án điều tra việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn, công an Hà Nội đã kiểm tra việc vận chuyển, thu gom, xử lý rác thải vào các bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện việc đổ nước hay phế thải vào rác.
Thượng tá Phạm Đức Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội
Về những biểu hiện tiêu cực trong thu gom, xử lý rác, Phòng Cảnh sát Môi trường và Phòng Cảnh sát Kinh tế đang tiếp tục thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan. Sau khi xác minh làm rõ, khi có kết luận cuối cùng sẽ thông tin đến báo chí.
Liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông (sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy... ) ở Hà Nội, ông Lê Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết hiện nay, ô nhiễm tại sông Nhuệ, sông Đáy chưa bằng sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch nhưng tương lai sẽ gây áp lực lớn đối với nhân dân hai bên bờ sông.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, ngay từ đầu năm 2021, Sở đã chỉ đạo rất quyết liệt các đơn vị bên cạnh việc duy tu, duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước ở lòng sông để giảm thải lượng bùn lắng đọng thì tiếp tục xây dựng các trạm xử lý rác thải cục bộ để giảm tải cho hai bên bờ sông Nhuệ và sông Đáy như: Trạm xử lý nước thải Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) công suất 500 m3/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) công suất 8.000 m3/ngày đêm.... Ngoài ra, Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị thu gom toàn bộ rác thải trong ngày toàn bộ tuyến 2 bên bờ các sông.
Sở Xây dựng cũng đang đề xuất xây 8 trạm bơm dã chiến công suất 9 m3/giây để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Với lưu lượng nước này có thể đủ để tạo dòng chảy, cải thiện ô nhiễm cho 2 con sông.
Việc xử lý rác thải tại các con sông là vấn đề mang tính lâu dài, cần sự đồng hành của nhân dân và sự tham gia của toàn xã hội. Về các tuyến sông trên, TP Hà Nội sẽ hướng tới việc cố gắng thu gom rồi tách nước thải sinh hoạt để tương lai các dòng sông chỉ còn nước mặt, trả lại cảnh quan cho các dòng sông. Hà Nội cũng đã chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ lượng nước thải từ việc kiểm soát các chế phẩm từ các hộ dân, khuyến cáo người dân sử dụng các vật dụng thân thiết với môi trường...
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội
Về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay đã có nhiều giải pháp cho việc bổ cập nước sông Tô Lịch, trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng qua hồ Tây rồi chảy vào Tô Lịch. Thời gian gần đây, với việc Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ giao các đơn vị chức năng tìm phương án đẩy nhanh việc này, cơ quan liên ngành đã khảo sát và đưa ra đề xuất bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc. Nếu bổ cập qua cống Liên Mạc, phương án này có thể cải thiện ô nhiễm cả cho sông Nhuệ. Trước đây, TP đã có dự án nâng cấp, xây dựng mới cống Liên Mạc, thời gian tới việc này sẽ được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu dự án này được thực hiện sẽ đảm bảo việc tưới tiêu nông nghiệp và bổ cập nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)