Liên quan đến vụ xã "buộc" dân nộp tiền để trả nợ quán xá, nguồn tin của Báo Người Lao Động ngày 6-3 cho biết ông Hồ Xuân Hoàng - Chủ tịch UBND xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị - vừa có đơn gửi Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông xin từ chức Chủ tịch UBND xã Ba Lòng nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ông Hồ Xuân Hoàng trước đó là Chủ tịch UBND xã Hải Phúc, huyện Đakrông. Vào tháng 3-2020, xã Hải Phúc sáp nhập vào xã Ba Lòng và ông Hồ Xuân Hoàng được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Ba Lòng nhiệm kỳ 2016 - 2021.
UBND xã Ba Lòng, nơi ông Hồ Xuân Hoàng công tác
Nguồn tin cho hay nội dung đơn xin từ chức của ông Hồ Xuân Hoàng nêu rằng xét thấy bản thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo hướng dẫn 01 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị nên xin từ chức Chủ tịch UBND xã Ba Lòng nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ông Thái Ngọc Châu - Chủ tịch UBND huyện Đakrông - xác nhận Ban Thường vụ Huyện ủy huyện này đã nhận được đơn xin từ chức của ông Hồ Xuân Hoàng. Lý do từ chức là đang trong thời gian thanh tra, kiểm tra nên không thể giới thiệu vào Hội đồng nhân dân xã, phải giới thiệu người khác.
"Ban Thường vụ Huyện ủy đã xem xét, sắp tới sẽ có hướng xử lý, không để ông Hoàng làm ở vị trí Chủ tịch UBND xã Ba Lòng nữa" - ông Châu thông tin.
Nhiều hộ dân được yêu cầu nộp tiền từ 2 - 30 triệu đồng mới được xã xác nhận, cấp đất sản xuất
Trước đó, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh việc xã Hải Phúc trước khi sáp nhập vào xã Ba Lòng đã "buộc" người dân nộp tiền để trả nợ quán xá và xây dựng nhà văn hóa. Cụ thể, hàng chục hộ dân bị xã Hải Phúc yêu cầu phải nộp từ 2 - 30 triệu đồng mới được xã này xác nhận cấp đất sản xuất.
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh và Thanh tra huyện Đakrông vào cuộc thì vào tháng 8-2020, ông Hồ Xuân Hoàng cùng một số cán bộ xã này bất ngờ tổ chức gặp một số hộ dân trên địa bàn để xin lỗi và trả lại số tiền đã thu của người dân.
Trong quá trình thanh tra đột xuất, Thanh tra huyện Đakrông xác định có dấu hiệu tội phạm nên đã chuyển Công an huyện này vào cuộc xác minh, làm rõ theo quy định. Đến hôm nay 6-3, cơ quan chức năng huyện Đakrông vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc này.
Đất rừng vào nhà cán bộ?
Như Báo Người Lao Động thông tin, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị - Chi nhánh huyện Đakrông đã bàn giao 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 63 hộ dân xã Ba Lòng. Đáng nói, trong số những người được cấp đất rừng sản xuất lần này có nhiều người là cán bộ xã và người thân của họ.
Cụ thể, bà Hoàng T.H (vợ ông Hồ Xuân Hoàng) được cấp 2 thửa đất số 219, 220 (tờ bản đồ số 1) với diện tích hơn 5 ha; ông Hoàng Đình, cán bộ Địa chính xã Ba Lòng và người thân ông này được cấp 9 thửa đất liền kề số 221, 222, 223, 224, 225, 226, 227, 228, 229 (tờ bản đồ số 1) với diện tích hơn 5 ha; ông Nguyễn Trí Ba, cán bộ Địa chính xã Ba Lòng được cấp 3 thửa đất số: 250, 251, 252 (tờ bản đồ số 1) với diện tích hơn 3 ha.
Cơ quan chức năng cần làm rõ việc cấp đất rừng sản xuất tại xã Hải Phúc (cũ)
Qua kiểm tra tọa độ, Phòng Tài Nguyên Môi trường huyện Đakrông cho biết các thửa đất được đã cấp cho vợ chồng ông Hồ Xuân Hoàng, ông Hoàng Đình và ông Nguyễn Trí Ba đều thuộc Dự án 327 trước đây. Tìm hiểu được biết dự án này do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị quản lý với mục đích trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc trên địa bàn xã Hải Phúc.
Khoảng năm 2009-2010, sau khi diện rừng thuộc Dự án 327 được khai thác, cơ quan liên quan đã bàn giao lại đất để UBND xã Hải Phúc quản lý và có kế hoạch giao cho những hộ dân thiếu đất sản xuất canh tác.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)