Người dân ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, đang tìm hiểu cách thực hiện thủ tục gia hạn BHYT hộ gia đình.
Với chiếc máy tính kết nối Internet, chị Nguyễn Thị Nhi (ở phường Thới An, quận Ô Môn) vừa hoàn thành thủ tục gia hạn thẻ BHYT cho hộ gia đình. Chị Nhi chia sẻ: “Thực hiện thủ tục này cũng khá đơn giản. Ban đầu, tôi truy cập vào Cổng dịch vụ công rồi vào thủ tục gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình. Sau đó, tôi thực hiện các bước tiếp theo. Chỉ mất vài phút, tôi đã hoàn thành”.
Hiện nay, ngành BHXH triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dành cho tổ chức: ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT lần đầu; ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT hằng năm; giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động (TNLÐ), bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị TNLÐ, bệnh nghề nghiệp lần đầu; giải quyết hưởng chế độ TNLÐ, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp đã bị TNLÐ, bệnh nghề nghiệp, tiếp tục bị TNLÐ hoặc bệnh nghề nghiệp. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dành cho cá nhân: giải quyết hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện, người bảo lưu thời gian đóng BHXH; giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đối với người có quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 09/1998/NÐ-CP; giải quyết hưởng chế độ TNLÐ, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị TNLÐ, bệnh nghề nghiệp lần đầu (trường hợp người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu, thôi việc hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp); giải quyết hưởng chế độ TNLÐ, bệnh nghề nghiệp do thương tật, bệnh tật tái phát; thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT…
Cụ thể, để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 “Giải quyết hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện, người bảo lưu thời gian đóng BHXH” và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 “Giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đối với người có quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 09/1998/NÐ-CP”, trước tiên, người dùng đăng nhập Cổng dịch vụ công của ngành và chọn cơ quan BHXH nộp hồ sơ giao dịch điện tử. Tiếp đó, kê khai theo mẫu số 14-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 166/QÐ-BHXH ngày 31-1-2019 của BHXH Việt Nam; đính kèm file hồ sơ theo yêu cầu; xác thực hồ sơ (mã xác thực (OTP) sẽ được gửi tới số điện thoại của cá nhân đã dùng để đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH) và gửi hồ sơ.
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về “Giải quyết hưởng chế độ TNLÐ, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị TNLÐ, bệnh nghề nghiệp lần đầu (trường hợp người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu, thôi việc hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp)”, người dùng cần đăng nhập Cổng dịch vụ công của ngành và chọn cơ quan BHXH nộp hồ sơ giao dịch điện tử. Sau đó, kê khai theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 88/2020/NÐ-CP.
Riêng đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về “Giải quyết hưởng chế độ TNLÐ, bệnh nghề nghiệp do thương tật, bệnh tật tái phát”, người dùng đăng nhập Cổng dịch vụ công của ngành và chọn cơ quan BHXH nộp hồ sơ giao dịch điện tử. Sau đó, kê khai theo mẫu số 14-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 166/QÐ-BHXH ngày 31-1-2019 của BHXH Việt Nam; đính kèm file hồ sơ theo yêu cầu; xác thực hồ sơ (mã xác thực (OTP) sẽ được gửi tới số điện thoại của cá nhân đã dùng để đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH) và gửi hồ sơ…
Tất cả các hồ sơ thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đều được cơ quan BHXH tiếp nhận, xử lý và trả kết quả theo quy định. Ðồng thời, thông báo về kết quả giải quyết hồ sơ sẽ được gửi tới email của cá nhân đã đăng ký với cơ quan BHXH.
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)