Đề phòng lốc sét, mưa đá tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Thứ bảy, 22 Tháng 5 2021 08:11 (GMT+7)
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp gió mùa tây nam, từ nay đến ngày 23-5, ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Thạnh lợp lại mái nhà bị hư hỏng do dông lốc cho người dân xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: PHÚ QUÝ
 
Từ ngày 24 đến 27-5 có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông, với lượng mưa ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ phổ biến 150 đến 300 mm/đợt, ở Tây Nguyên phổ biến 200 đến 450 mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ đêm 23 đến ngày 25-5 ở Bắc Bộ có mưa rào và dông; riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70 đến 150 mm/đợt, có nơi hơn 150 mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
 
Ngày 21-5, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (VPTT BCÐ T.Ư về PCTT) đã có Công văn số 237/VPTT về việc chủ động ứng phó mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh. Theo đó, đề nghị các Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân, chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại do các hiện tượng thời tiết xấu, nhất là dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn; lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi; sẵn sàng phương án phòng, chống ngập úng, nhất là khu vực đô thị và khu dân cư tập trung. Tổ chức kiểm tra rà soát an toàn nơi ở của người dân, sẵn sàng các phương án ứng phó. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cơ quan thông tin truyền thông, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng, tránh, giảm thiệt hại.
 
Do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp hiệu ứng phơn, hôm nay 22-5 và ngày 23-5, ở phía tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 đến 390C, có nơi hơn 390C; phía đông Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 370C, có nơi hơn 380C. Từ ngày 24-5, nắng nóng ở các khu vực trên dịu dần.
 
★ Tổng cục Phòng, chống thiên tai vừa phối hợp Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tọa đàm với nội dung: "Những vấn đề đặt ra với công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19, từ công tác chỉ đạo, điều hành tới việc triển khai ở thực tế địa phương". Mùa mưa bão 2021 đến trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc giúp người dân đến nơi an toàn khi thiên tai xảy ra; việc diễn tập phòng, chống thiên tai, thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai,... Cho nên, các địa phương cần căn cứ vào tình hình cụ thể để ứng phó. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị có thể thực hiện việc diễn tập, họp thông qua công nghệ thông tin; tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế…
 
★ Tại xã Liên Minh và xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa (Lào Cai) vừa xảy ra dông lốc, làm 38 nhà ở bị thiệt hại. Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại. UBND thị xã Sa Pa đã huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định chỗ ở, chỉ đạo khắc phục ngay ảnh hưởng tại Nhà văn hóa thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ để bảo đảm phục vụ bầu cử.
 
★ Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh An Giang, mưa lớn và dông lốc đã làm sập và tốc mái 35 căn nhà tại hai huyện Chợ Mới và Phú Tân. Trong đó, huyện Chợ Mới bị thiệt hại nặng với 34 căn, ngoài ra một trụ sở UBND xã và một trụ sở công an xã bị tốc mái. Hiện địa phương đã huy động lực lượng cùng với người dân di dời tài sản, dọn dẹp và sửa chữa lại nhà cửa.
 
Ngoài ra, ngày 20-5 xảy ra vụ sụt lún đất bờ sông Ông Chưởng một đoạn dài hơn 40 m đoạn qua ấp Long Hòa, xã Long Ðiền B, huyện Chợ Mới. UBND huyện Chợ Mới đã cho cắm biển báo tạm thời cấm xe tải trọng trên ba tấn lưu thông qua lại khu vực này. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã đến khảo sát khu vực sụt lún để đưa ra phương án khắc phục.
 
★ Theo Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, từ ngày 21 đến 31-5, xu thế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm dần. Theo đó, chiều sâu ranh mặn 1g/l tại sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 60 km đến 80 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại là 35 km đến 40 km; sông Hàm Luông 33 km đến 37 km; sông Cổ Chiên 30 km đến 33 km; sông Hậu 30 km đến 35 km; sông Cái Lớn 40 km đến 45 km. Chiều sâu ranh mặn 4g/l trên sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây là 40 km đến 55 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại 25 km đến 30 km; sông Hàm Luông 22 km đến 26 km; sông Cổ Chiên 20 km đến 25 km; sông Hậu 15 km đến 25 km; sông Cái Lớn 25 km đến 35 km.
 
PV và CTV - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội