Ngày 22-5, tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Liên danh Nhà đầu tư (Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2) và Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đây là dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Đông đảo các đại biểu tham dự buổi lễ khởi công dự án.
Dự án đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22-11-2017 và Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28-3-2018. Đây là dự án đầu tiên trong 3 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức PPP được khởi công.
Dự án có Tổng vốn đầu tư khoảng 11.157,82 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090,09 tỉ đồng (trong đó Vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư là 1.023 tỉ đồng) và nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 6.067,73 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 3 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn là 16 năm 6 tháng 8 ngày.
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, phát biểu tại lễ khởi công dự án.
Dự án triển khai tại 2 tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km), có điểm đầu (Km430+000), phía sau nút giao với QL 7 (điểm cuối Dự án thành phần đầu tư đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu), thuộc địa phận xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; điểm cuối (Km479+300), phía sau nút giao với QL 8A, thuộc địa phận xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tổng chiều dài khoảng 49,3 km.
Dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe (Bề rộng nền đường 17 m) với vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Ngoài ra, trên tuyến còn đầu tư 1 hầm đường bộ qua núi Thần Vũ có chiều dài khoảng 1.100 m và một số công trình cầu lớn, đặc biệt là cầu Hưng Đức với chiều dài 4.036 m.
Các đại biểu ấn nút phát lệnh khởi công dự án.
Được biết, Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là một trong những dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng phần vốn góp Nhà nước (VGF) để đánh giá tài chính thương mại, được cập nhật quy định chuyển tiếp của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các Nghị định hướng dẫn trong quá trình đàm phán Hợp đồng dự án.
Dự án triển khai khắc phục các tồn tại của các Dự án BOT trước đây như đảm bảo sự lựa chọn cho người sử dụng, mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định ngay từ ban đầu sẽ làm giảm rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng trong quá trình triển khai thực hiện Dự án.
Các nhà thầu chuẩn bị các phương tiện tham dự lễ khởi công dự án.
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia nên cần phải hết sức quyết liệt và tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông…
Thứ trưởng yêu cầu nhà đầu tư, đơn vị thi công tập trung tối đa nguồn lực để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ để phấn đấu đến Quý I/2023 hoàn thành.
Thứ trưởng giao các cơ quan của Bộ GTVT đặc biệt là Ban quản lý dự án 6, Cục Quản lý xây dựng, Vụ Đối tác công tư… bám sát công trường xử lý các vướng mắc trong quá trình thi công xây dựng dự án một cách nhanh nhất.
Ngoài ra, đề nghị 2 địa phương Hà Tĩnh, Nghệ An tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư. Có chính sách hỗ trợ tại điều kiện trong việc cung cấp nguồn nguyên vật liệu: Đất, đá, cát… cho dự án và đảm bảo trật tự an ninh trong quá trình xây dựng.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)