Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết như trên tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM sáng 2-7.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục trong tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phân phối và sử dụng test nhanh… Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện công tác truy vết và lấy xét nghiệm bị phân tán nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Tại một số khu cách ly, khu phong tỏa cũng còn một số hạn chế trong phòng chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sẽ ưu tiên phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 cho TP HCM - Anh: Trung tâm Báo chí TP HCM
Trên cơ sở thực tế đó, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương sử dụng test nhanh hợp lý để đảm bảo truy vết nhanh, khoanh vùng phong tỏa sớm. Hiện nay, số sử dụng test nhanh còn rất hạn chế (sử dụng khoảng 128.000 trong tổng số 222.000 test nhanh).
Về công tác xét nghiệm, cần tuân thủ giãn cách theo Chỉ thị số 10 của UBND TP HCM, chia ca hợp lý, tránh tụ tập đông người, ảnh hưởng đến phòng chống dịch; cần thiết có thể triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngay tại các ngõ dân cư.
Các khu cách ly, khu vực phong tỏa nên có đội ngũ dự bị để sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm khi cần, đảm bảo trả kết quả đúng hẹn.
Những đơn vị truy vết chỉ tập trung vào công tác truy vết để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong trường hợp dịch lan rộng, lan nhanh trên diện rộng.
Bên cạnh sử dụng hệ thống giám sát cộng đồng bằng xét nghiệm PCR mẫu gộp 10, 15, địa phương cũng cần tăng cường lực lượng y tế để đảm bảo test nhanh có hiệu quả và truy vết kịp thời.
Trước đó, báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP HCM, Sở Y tế cho biết từ ngày 27-4 đến 18 giờ ngày 1-7, TP HCM có 4.345 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố.
Từ 6 giờ ngày 1-7 đến 6 giờ ngày 2-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM ghi nhận 533 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 460 trường hợp tại khu cách ly, khu phong tỏa, cách ly tại nhà, đều xác định được nguồn nằm trong các chuỗi lây nhiễm trước đó; 2 trường hợp phơi nhiễm là dân quân trực khu phong tỏa ở quận 5 và TP Thủ Đức; 42 trường hợp phát hiện khi khám sàng lọc tại 15 bệnh viện.
Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 kết thúc an toàn, vượt chỉ tiêu
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM ngày 2-7, Sở Y tế cho biết có 839.706 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 4.
Chiến dịch tiêm vắ-xin phòng Covid-19 đợt 4 được TP HCM khởi động từ ngày 19-6, triển khai chính thức trưa 21-6.vTính đến 18 giờ ngày 1-7, có tổng cộng 839.706 người đã được tiêm vắc-xin trên tổng số 951.902 người đến tiêm, trong đó tại cộng đồng là 527.437 người; tại KCN, KCX là 312.269 người. Có 112.196 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc.
Sở Y tế cho biết chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đã kết thúc an toàn, vượt chỉ tiêu đề ra. Có 781 trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm, trong đó có 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (gồm: 33 trường hợp độ 1, 48 trường hợp độ 2, 18 trường hợp độ 3, 2 trường hợp độ 4); tất cả đều được theo dõi sát, hiện sức khỏe đều ổn định.
TP HCM đã huy động lực lượng nhân viên y tế toàn ngành để thành lập 1.300 đội tiêm, thực hiện tiêm vắc-xin tại 96 địa điểm tiêm của các quận - huyện và hơn 300 địa điểm tiêm di động trong các khu công nghiệp.
Trung bình mỗi ngày huy động hơn 5.300 nhân viên y tế tham gia các đội tiêm, trong đó có 2.600 bác sĩ của tuyến TP 200 nhân viên y tế của các bệnh viện tuyến trung ương. Bên cạnh đó có hơn 93 đội(hơn 200 nhân viên y tế) chuyên hồi sức cấp cứu phụ trách các khu vực.
Các nhóm đối tượng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lần này gồm lực lượng tuyến đầu chống dịch ; lực lượng quân đội, công an, hải quan; người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, cảng, vận tài, cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, vệ sinh môi trường, bưu chính viễn thông, xăng dầu, hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho các cơ sở y tế.
Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người yếu thế và các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch: công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm... cũng là đối tượng được ưu tiên tiêm đợt này.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)